Trần Quốc Việt dịch
Cách đây ba mươi năm, những người dân bình thường thách thức một chế độ độc tài vũ trang, và đã thắng.
Vào ngày 31 tháng Tám năm 1980, những công nhân đình công ở nhà máy đóng tàu Lenin tại Gdansk đã buộc nhà cầm quyền cộng sản ở Ba Lan ký kết một hiệp ước. Bên cạnh những điều khoản khác ít quan trọng hơn, hiệp ước hứa hẹn họ công đoàn tự do và độc lập, trả tự do cho các tù chính trị, báo chí đa nguyên và không bị kiểm duyệt và quyền đình công.
Chỉ trong vòng vài ngày, những uỷ ban đình công khác trên khắp Ba Lan cũng giành được những điều kiện gần như tương tự từ các cấp Đảng lãnh đạo của họ. Chẳng bao lâu tất cả các hiệp ước địa phương tập hợp lại thành một phong trào duy nhất hoạt động trên cả nước, và đến cuối năm đã tuyển mộ được 9 triệu thành viên. Nhà lãnh đạo của phong trào này là một người thợ điện nói nhanh, ngoan đạo, và hơi tinh quái tên Lech Walesa. Tên của phong trào là "Công đoàn Đoàn kết Độc lập Tự quản".
Tất cả những ai ở lại nhà máy đóng tàu ấy trong suốt cuộc đình công khi bước ra đều đã thay đổi: họ chín chắn hơn và có lẽ có nhiều niềm tin hơn vào con người. Đây là cuộc đình công nghề nghiệp buộc những công nhân đình công vì sự nghiệp chung phải rời xa mái ấm gia đình. Cổng của nhà máy, hầu như bị che khuất đằng sau nhiều hoa tặng từ những người ủng hộ và sau những bức ảnh của đức Giáo hoàng, đã bị khoá lại, và các công nhân cấm mình không bước ra ngoài cho đến khi nào họ chiến thắng.
Bên trong, hàng ngàn người trong bộ áo quần lao động màu xám nằm dài trên cỏ lắng nghe tiếng loa phát đi những cuộc thương lượng kéo dài lê thê trong phòng Y tế và An toàn. Bên ngoài cổng, phụ nữ và trẻ em đợi chờ trong suốt những ngày tháng Tám dài và nóng bức. Đôi lúc họ ném bánh mì, salami, và táo qua hàng rào cho chồng, cha và con trai của họ. Trong sân có sẵn giấy và mực in để cho ra những bản thông báo lem luốc, nhưng không có gì nhiều để ăn. Rượu Vodka bị cấm. Tại một trong những nước nghiện thuốc lá nặng nhất ở Châu Âu, họ cấm cả hút thuốc trong phòng.
Rủi ro lại rất cao. Công nhân ở bên trong và gia đình ở bên ngoài đều nghĩ đến công an chống bạo động ZOMO đang ngứa ngáy muốn dộng dùi cui lên người họ. Còn các nhà báo ngoại quốc ở trong sân nhà máy lại nghĩ nhiều hơn đến những sư đoàn thiết giáp Xô Viết đã áp sát đến biên giới Ba Lan. Nếu họ xâm lăng, chúng tôi cho rằng nhân dân Ba Lan sẽ chống trả rồi dẫn đến điều mà chế độ gọi một cách tế nhị "bi kịch quốc gia". Nhưng đó là một khả năng các công nhân đình công từ chối thảo luận. Lại canh cánh thêm một mối lo sợ họ thấy không cần thiết.
Các cuộc đình công lan rộng và chính quyền chia rẽ trước các lý lẽ đáng sợ cuối cùng đành nhượng bộ. Vào ngày 31 tháng Tám Lech Walesa, tận hưởng từng khoảnh khắc thời điểm mang lại, cầm cây bút rất lớn, quà lưu niệm từ đức Giáo hoàng nhân cuộc viếng thăm của Người năm ngoái, và ký vào Hiệp ước Gdansk. Phó Thủ tướng Mieczyslaw Jagielski, rõ ràng căm ghét cũng không kém từng khoảnh khắc, hạ bút ký theo.
Câu chuyện chưa chấm dứt ở đấy. Trong những tháng kế tiếp, chế độ cố gắng ngăn chặn, trì hoãn hay nói chung gian lận tất cả các điểm chính trong các hiệp ước, thường xuyên đẩy Công đoàn Đoàn kết vào thế đối đầu. Nhiều lúc tưởng đâu Ba Lan suýt rơi vào cảnh nội chiến. Nền kinh tế kiệt quệ giờ sụp đổ; người dân ngủ vạ vật qua đêm trên vỉa hè để giữ chỗ xếp hàng mua thực phẩm ngày hôm sau. Bản thân Công đoàn Đoàn Kết trở nên chia rẽ, nhiều người trách Walesa không dùng đến vũ khí tối hậu là cuộc tổng đình công toàn lực. Cuối cùng, vào tháng Chạp năm 1981, tướng Jaruzelski tiến hành đảo chính quân sự, giải tán Công đoàn Đoàn kết, bắt giam hàng ngàn thành viên lãnh đạo của công đoàn và ban bố lệnh thiết quân luật. Nhưng câu chuyện cũng chưa hẳn kết thúc ở đấy. Từ đấy Công đoàn Đoàn kết trở thành phong trào kháng chiến bí mật.
Chế độ cộng sản, bấy giờ mất uy tín và bị mọi người khinh bỉ, nằm đè lên Ba Lan như con khủng long khổng lồ đang hấp hối. Trong năm 1988, làn sóng các cuộc đình công mới buộc chế độ triệu tập Hội nghị Bàn Tròn nhằm thảo luận cải cách cơ bản với Công đoàn Đoàn kết và các nhóm đối lập khác. Một thoả hiệp được sắp xếp cho một cuộc bầu cử "tự do" vào tháng Sáu năm 1989, và bản đồ các khu vực bầu cử được chế độ sửa lại để bảo đảm rằng những người cộng sản và đồng minh của họ chiếm đa số trong nghị viện.
Nhưng các cử tri tìm thấy một kẻ hở - tức yêu cầu rằng tất cả ứng cử viên phải đạt được sự ủng hộ của 50 phần trăm số phiếu bầu - thế là danh sách chế độ đưa ra bị loại bỏ. Bốn tháng sau, chính phủ đầu tiên trong khối "Châu Âu Xô Viết" dưới sự lãnh đạo của những người không cộng sản lên nắm quyền. Năm 1990, Lech Walesa được bầu làm tổng thống của nước Cộng hoà Ba Lan tự do.
Năm đầu tiên ra đời ấy của Công đoàn Đoàn kết, khởi đầu vào mùa hè và kết thúc vào một đêm tháng Chạp rất lạnh, là những ngày vui lớn tạo nên huyền thoại sống mãi. Tuy nhiên ngày nay người ta đã quên đi nhiều nét độc đáo vào thuở ban đầu của phong trào. Một nét nổi bật là vai trò phụ nữ trong những tuần lễ đầu tiên ấy. Cuộc đình công Gdansk bắt đầu do việc sa thải Ana Walentynowicz, nữ công nhân lái xe cần cẩu đeo kính, vóc dáng nhỏ bé, về sau trở thành một trong những nhà lãnh đạo cứng cỏi nhất của phong trào. Hiệp ước Gdansk phát triễn thành tuyên ngôn xã hội nhờ công lao của nữ y tá tên Alina Pienkowska, người đã yêu cầu những người đứng ra thương lượng phải bao gồm danh sách dài những cải cách về dịch vụ y tế.
Và cuộc đình công ấy sẽ chẳng khác gì một cuộc đình công bình thường nếu không có Henryka Krzywonos, nữ công nhân lái tàu điện. Một vài ngày sau khi cuộc bãi công bắt đầu, Lech Walesa tuyên bố rằng cuộc đình công kết thúc: ông sẵn sàng đồng ý với ban giám đốc nhà máy về điều kiện tăng lương, thu nhận lại những công nhân bị đuổi việc và lời hứa không được trù dập công nhân. Henryka, đại diện các nhân viên giao thông thành phố, đứng lên la to cắt ngang lời ông. Chị nói năm mươi ngàn công nhân ở các xí nghiệp khác cũng đang đình công cho nên sẽ là sự phản bội trắng trợn nếu nhà máy đóng tàu Lenin bỏ rơi họ để mặc cả lợi riêng cho mình. "Nếu anh bỏ rơi chúng tôi, chúng tôi chắc chắn sẽ thua; xe buýt làm sao đánh lại xe tăng được."
Mọi người hoan hô đồng ý. Walesa đổi ý liền chạy quanh nhà máy thông báo huỷ bỏ lệnh do chính ông đã đưa ra và phát đi lệnh mới: cuộc đình công vẫn tiếp tục và sẽ đòi thêm những yêu cầu của các nhà máy khác dọc theo bờ biển Baltic. Nhờ Henryka, một cuộc tranh chấp công nghiệp mở rộng thành một cuộc cách mạng.
Cũng lãng quên theo dòng thời gian sự thực đơn giản rằng Công đoàn Đoàn kết chính là công đoàn. Công đoàn trông cậy vào đội "cố vấn" trí thức đối lập đáng nể. Công đoàn mang đậm chất Công giáo, và các công nhân đình công quỳ xuống cử hành thánh lễ hằng ngày ngoài sân nhà máy. Phong trào được nuôi dưỡng nhờ cội rễ sâu thẳm của chủ nghĩa dân tộc truyền thống cũ, tức niềm ao ước muốn khôi phục một nước Ba Lan thật sự độc lập. Nhưng Công đoàn Đoàn Kết, hình thức của cuộc nổi dậy này, thực chất là cuộc đồng khởi của giai cấp công nhân.
Đây là sự lớn mạnh bất ngờ phi thường mang tính công đoàn dựa trên giai cấp vô sản công nghiệp, nhưng một giai cấp vô sản mà đối với họ 'chủ nghĩa xã hội" đã trở thành một từ bẩn thỉu. Giai cấp vô sản ấy chỉ có khinh bỉ nhà cầm quyền cộng sản, nhưng thoạt đầu hy vọng cùng tồn tại với họ thay vì lật đổ họ. Chiến thắng "chính trị" trong các hiệp ước Công đoàn Đoàn kết đạt được - nới lỏng kiểm duyệt, thả tự do cho tù chính trị - hầu như là những thành quả phụ đối với các uỷ ban đình công. Chính tự do ngôn luận và tự do báo chí mới là cách tốt nhất để bảo đảm rằng những yếu tố cơ bản nhất của hiệp ước - sự độc lập của công đoàn mới, lương hướng tốt hơn, không được đuổi việc vì lý do chính trị, cung cấp vật dụng cần thiết cho các phân xưởng - sẽ không bị phá hoại.
Ba Lan ngày nay khó mà nhớ lại rằng Công đoàn Đoàn Kết đã ủng hộ chủ nghĩa thường được gọi là "chủ nghĩa công đoàn vô chính phủ". Hay nói cách khác, đây là một hình thức dân chủ xã hội quá khích theo đó công nhân tự kiểm soát các xí nghiệp của mình, tự chọn ra ban giám đốc và tự bỏ phiếu về các kế hoạch sản xuất. Đấy là ý nghĩa của từ "tự quản" trong tên chính thức của Công đoàn Đoàn kết. Điều này thường đi đôi với việc hưởng lương như nhau nhằm bảo đảm sự bình đẳng tại nơi làm việc.
Đây là chương trình "tự quản của công nhân" do các uỷ ban Công đoàn Đoàn kết lập ra trên khắp Ba Lan. Nhưng họ có thể thực hiện được chỉ một số phần của chương trình này. Các công nhân viên đã sung sướng khi họ đuổi các giám đốc đảng viên bất tài, và khi tham gia trong các buổi họp tuy kéo dài nhưng sôi nổi để bàn về các điều kiện làm việc. Nhưng thay đổi nền kinh tế Ba Lan thành nền dân chủ phi tập trung do "công nhân làm chủ" là chuyện hão huyền. Nền kinh tế ấy chẳng còn gì nữa để mà thay đổi. Công nghiệp ngừng hoạt động vì thiếu đồ phụ tùng thay thế còn nợ nước ngoài ngập đầu đã bóp chết nhập khẩu, trong khi ấy những người dân Ba Lan bình thường cứ đứng xếp hàng gần như suốt ngày bên ngoài các cửa hàng trống rỗng.
Ngày nay đối với những người Ba Lan yêu nước, điểm son sáng chói của Công đoàn Đoàn kết là công đoàn đã gây ra một vết thương chí mạng cho cả đế quốc Xô Viết. Các cuộc cách mạng diễn ra trong năm 1989, làm sụp đổ chủ nghĩa cộng sản và thống nhất Châu Âu, đều "bắt đầu ở Gdansk". Có nhiều người không đồng ý. Cố sử gia Tony Judt, trong tác phẩm lớn Hậu Chiến của mình, đã viết rằng "Chủ nghĩa cộng sản là về quyền lực, và quyền lực không nằm ở Warsaw mà ở Mạc Tư khoa. Những biến động ở Ba Lan là khúc dạo đầu xôn xao cho câu chuyện về sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản, nhưng những biến động ấy vẫn là màn phụ. Còn câu chuyện thật sự lại diễn ra ở nơi khác." (Chẳng hạn những hành động của Mikhail Gorbachev.)
Nhưng đó chỉ là sự thật nửa vời. Chủ nghĩa cộng sản Ba Lan bắt đầu chết vào tháng Tám năm 1980; nên trước sau gì để cứu đất nước khỏi rơi vào cảnh hỗn loạn, nhân dân Ba Lan cũng sẽ lăn cái xác qua một bên và thành lập đại loại một nước dân chủ. Mạc Tư Khoa và các nước láng giềng cộng sản đến lúc đấy sẽ phải đối diện sự chọn lựa giữa nguy cơ gây ra cuộc chiến tranh ở Châu Âu vì vấn đề Ba Lan hay để xảy ra sự sụp đổ của toàn bộ siêu cường Xô Viết. Cái hay của Gorbachev là ông bảo đảm rằng sự sụp đổ ấy sẽ diễn ra không có đổ máu.
Nhưng cho dù Công đoàn Đoàn kết thổi tung ra cánh cổng vào tương lai, về nhiều phương diện công đoàn này đã thuộc về quá khứ. Thay vì sự khởi đầu, công đoàn là sự cáo chung của bao nhiều điều.
Trước tiên, công đoàn này là sự nổi dậy hoành tráng cuối cùng của những người sản xuất - của những con người bằng sức lao động của mình đã làm ra của cải, và cũng là những người đòi quyền kiểm soát tại nơi làm việc của mình về việc của cải nên được sản xuất và phân phối như thế nào. Trước đấy 10 năm nhà hoạt động công đoàn quá cố Jimmy Reid và các công nhân ở Tổ hợp Đóng tàu Upper Clyde đã chiếm nhà máy để làm chủ sản xuất. Nhưng ngày nay hầu như chẳng ai còn nhớ đến cảnh "công nhân làm chủ" ấy nữa. Người lao động sản xuất ra của cải hiện nay bị tảng lờ hay ở xa tít tận Trung Quốc, trong khi đó người tiêu thụ lại được quý như vua.
Và những sự kiện ở Gdansk cũng thuộc về một thời đã qua khác: thời của những nhà máy công nghiệp lớn xử dụng đến hàng ngàn công nhân. Các chế độ cộng sản khuyến khích những nhà máy to tát vì cho rằng những nhà máy như thế sẽ tạo ra giai cấp công nhân có kỷ luật để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Thực ra, những nơi này lại trở thành những pháo đài nổi loạn, nhờ chính tầm vóc của mình mà có thể tuôn trào ra đường phố những đoàn quân công nhân uất hận buộc chính quyền phải chịu khuất phục. Nhưng kỹ thuật mới cùng sự chuyển giao sản xuất sang Châu Á có nghĩa rằng ngày nay ở Châu Âu những nhà máy to lớn như thế, vốn một thời từng là thành trì của quyền lực công đoàn, chẳng còn lại bao nhiêu. Giai cấp công nhân có tổ chức, dòng thác người đội mũ vải hay mũ nồi tràn vào hay tràn ra cổng nhà máy theo tiếng còi thổi, hầu như đã chìm vào lịch sử.
Nay còn lại gì từ tinh thần tháng Tám năm ấy, tại một Ba Lan quyết tâm theo đuổi thị trường tự do tân cấp tiến và chủ nghĩa cá nhân, nơi có khoảng cách rất lớn giữa giàu và nghèo?
Công đoàn Đoàn kết sau năm 1980 đã thay hình đổi dạng nhiều lần. Từ một công đoàn nó đã trở thành phong trào kháng chiến hết lòng nhiều với độc lập dân tộc hơn với lợi quyền của công nhân. Rồi, sau năm 1989, cùng với vài vai trò khác công đoàn này trở thành phong trào chính trị cánh hữu thất bại. Ngày này nó lại trở thành một công đoàn tiếng tăm rất lớn nhưng ảnh hưởng lại hạn chế.
Tuy không nói ra, bao niềm hy vọng của Ba Lan cũng thay đổi theo. Trong những năm ảm đạm dưới chế độ thiết quân luật, lớp trẻ không còn quan tâm đến viễn cảnh công nhân làm chủ. Họ nghĩ họ nhìn thấy tại tây Âu một hệ thống thành công còn tốt hơn nhiều: chủ nghĩa tư bản dưới một thể chế dân chủ tự do.
"Thế hệ Công đoàn Đoàn kết" nay hồi tưởng lại ngày xưa với bao cảm xúc cay đắng ngọt bùi. Nhưng lòng họ chẳng gợn lên niềm hối tiếc gì sau bao năm nhìn lại. Nếu như Công đoàn Đoàn kết không truyền niềm tự tin cho muôn triệu người rằng bằng cách cùng sát cánh bên nhau họ có thể thay đổi mọi sự, thì Ba Lan trong năm 2010 chẳng khác gì Ukraine ngày nay -một đống đổ nát hoang tàn của biết bao hy vọng tan vỡ và bao mưu cầu chính trị bẩn thỉu. Thay vì thế, Ba Lan thành một nước Châu Âu dân chủ ổn định, nơi công dân hay bất mãn và giận dữ nhưng họ không bao giờ thụ động.
Con cháu những người chiến đấu và đau khổ cách đây 30 năm đã được nuôi dưỡng bằng "huyền thoại" Công đoàn Đoàn kết. Huyền thoại năm xưa nay tưởng chừng như chẳng liên quan gì đến cuộc đời họ đang sống. Tuy nhiên họ đã thừa hưởng chính bản năng phản kháng, phản biện khởi đi từ sự khải huyền trong năm 1980 về những gì nhân đân có thể đạt được nếu cùng nhau chung sức làm.
Nhà báo Jacek Zakowski viết: " Huyền thoại ấy, đối với nhiều người trong chúng tôi, là bằng chứng rằng phong trào đã ra đời xứng đáng. Chúng tôi đã đóng góp cho thế giới này. Nhờ Công đoàn Đoàn kết, hàng triệu người Ba Lan ngày nay có thể hồi tưởng lại những điều phi thường họ đã làm, và làm không chỉ cho bản thân mình. Trong suốt chiều dài lịch sử những thế hệ như thế không nhiều."
Neal Ascherson là nhà báo người Anh nổi tiếng chuyên viết về Ba Lan và Đông Âu.
Nguồn: The Independent số ra ngày 30 tháng Tám năm 2010.
http://www.independent.co.uk/news/world/europe/the-workers-united-the-strike-that-shook-the-kremlin
Bản tiếng Việt © 2010 Trần Quốc Việt
Bản tiếng Việt © 2010 danlambao
2.11.10
Trần Quốc Việt – talawas hay nỗi ám ảnh
Bài viết đầu tiên của tôi không có tựa đề và được gởi đến talawas từ văn phòng nơi tôi làm việc. Suy nghĩ, viết, và gởi đi trong giờ ăn trưa. Một khoảng thời gian không bình thường trước và sau những giờ với các con số trên máy tính. Thời gian mỗi ngày ở hãng bắt đầu từ ly cà phê, rồi những giờ với các con số, rồi kết thúc với ly cà phê chiều và những con số. Nhịp làm việc hàng ngày đều đặn là như thế. Hai ngày cuối tuần là gia đình và bao việc phải làm khác. Thời gian trước talawas là sự đều đặn bình thường, thời gian sau khi quen talawas là sự ám ảnh.
Ngày đó ông Nguyễn Minh Triết nói về cách mạng màu. Cũng ngày đó phong trào xuống đường của dân Iran đòi lại lá phiếu bị trấn áp. Màu xanh của biển người xuống đường được chắt lọc lại nhiều lần để thành những dòng máu đỏ biểu tượng loang dần ra trên thân thể của một cô gái trẻ nằm hấp hối trên đường phố.
Xúc cảm lớn dần lên trong lòng, tôi nhìn những con số trên máy tính mà nhớ đến màu xanh trong của bầu trời trên sông Hàn, nơi tôi đi dạo hàng ngày vào mỗi chiều lúc còn ở quê nhà. Thấy bao ước mơ cá nhân và tập thể của bao đời người bị vùi dập dưới gót giày hay nắm đấm của các chế độ độc tài, từ Việt Nam đến Iran, mà lòng dậy lên bao xúc cảm. Chẳng lẽ ta sinh ra trong máu của mẹ rồi kết thúc trong màu đen của huyệt mộ và giữa hai màu sinh tử ấy lại là màu xám xịt lê thê nặng nề trôi dạt đậm nhạt trên cuộc đời hay sao, chỉ vì ta sinh nhầm tổ quốc hay chọn nhầm thời gian ra đời? Ta chỉ sống có một lần nên ta không thể làm nháp cuộc đời ta với chế độ được. Trưa hôm ấy tôi viết nhanh bài thơ mà talawas đặt tên “Màu cầu vồng“.
Từ đấy tôi đến với talawas. Hay nói cách khác nhờ talawas tôi tìm lại niềm say mê tiếng Việt sau hai mươi năm say mê tiếng Anh ở quê hương mới này. Tôi viết và dịch có lẽ cho mình hơn là cho bạn đọc. Viết và dịch với tôi là thổi lại những mẩu than còn đỏ trong lò xưa tưởng đâu đã tắt lạnh theo thời gian, là học lại tiếng Việt và văn hoá Việt.
Mai này talawas ngừng hoạt động. Tôi không viết hay dịch nữa. Giã từ những ám ảnh chữ nghĩa, giã từ những giờ lang thang trên mạng tìm bài để dịch. Ngày xưa tôi đọc bài báo Mỹ hay, thấy lòng thích thú với nội dung, với chữ dùng. Ngày mai tôi vào quán cà phê Starbucks đọc các bài báo hay mà chắc lòng vương vấn thời gian talawas đã chiếm lĩnh hồn mình. Và cố dằn lòng không tự hỏi “câu này, chữ này nên dịch thế nào?”
talawas R.I. P. An giấc ngàn thu.
© 2010 Trần Quốc Việt
© 2010 talawas
Ngày đó ông Nguyễn Minh Triết nói về cách mạng màu. Cũng ngày đó phong trào xuống đường của dân Iran đòi lại lá phiếu bị trấn áp. Màu xanh của biển người xuống đường được chắt lọc lại nhiều lần để thành những dòng máu đỏ biểu tượng loang dần ra trên thân thể của một cô gái trẻ nằm hấp hối trên đường phố.
Xúc cảm lớn dần lên trong lòng, tôi nhìn những con số trên máy tính mà nhớ đến màu xanh trong của bầu trời trên sông Hàn, nơi tôi đi dạo hàng ngày vào mỗi chiều lúc còn ở quê nhà. Thấy bao ước mơ cá nhân và tập thể của bao đời người bị vùi dập dưới gót giày hay nắm đấm của các chế độ độc tài, từ Việt Nam đến Iran, mà lòng dậy lên bao xúc cảm. Chẳng lẽ ta sinh ra trong máu của mẹ rồi kết thúc trong màu đen của huyệt mộ và giữa hai màu sinh tử ấy lại là màu xám xịt lê thê nặng nề trôi dạt đậm nhạt trên cuộc đời hay sao, chỉ vì ta sinh nhầm tổ quốc hay chọn nhầm thời gian ra đời? Ta chỉ sống có một lần nên ta không thể làm nháp cuộc đời ta với chế độ được. Trưa hôm ấy tôi viết nhanh bài thơ mà talawas đặt tên “Màu cầu vồng“.
Từ đấy tôi đến với talawas. Hay nói cách khác nhờ talawas tôi tìm lại niềm say mê tiếng Việt sau hai mươi năm say mê tiếng Anh ở quê hương mới này. Tôi viết và dịch có lẽ cho mình hơn là cho bạn đọc. Viết và dịch với tôi là thổi lại những mẩu than còn đỏ trong lò xưa tưởng đâu đã tắt lạnh theo thời gian, là học lại tiếng Việt và văn hoá Việt.
Mai này talawas ngừng hoạt động. Tôi không viết hay dịch nữa. Giã từ những ám ảnh chữ nghĩa, giã từ những giờ lang thang trên mạng tìm bài để dịch. Ngày xưa tôi đọc bài báo Mỹ hay, thấy lòng thích thú với nội dung, với chữ dùng. Ngày mai tôi vào quán cà phê Starbucks đọc các bài báo hay mà chắc lòng vương vấn thời gian talawas đã chiếm lĩnh hồn mình. Và cố dằn lòng không tự hỏi “câu này, chữ này nên dịch thế nào?”
talawas R.I. P. An giấc ngàn thu.
© 2010 Trần Quốc Việt
© 2010 talawas
Subscribe to:
Posts (Atom)