25.9.09

KHIÊU VŨ VỚI TRỊNH PHƯƠNG

David Feith

Trần Quốc Việt dịch




Trong kỷ nguyên tài chính toàn cầu này, Mỹ và Trung Quốc có nhiều quyền lợi chung về thương mại và nợ nần. Tuy nhiên tính cách cốt lõi của một quốc gia được thể hiện không phải qua hoàn cảnh kinh tế, mà qua sự tôn trọng nhân quyền. Trong lĩnh vực này Mỹ và Trung Quốc ít có điểm gì chung, như câu chuyện bi hùng của Trịnh Phương (Zheng Fang) cho thấy.

Năm 1989 ông Phương là một trong cả trăm ngàn người Trung Quốc tràn ngập Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh để biểu tình đòi quyền dân chủ. Lúc đó ông là đảng viên và là sinh viên trường Đại học Thể thao Bắc Kinh, đồng thời cũng là vận động viên chạy nước rút loại giỏi. Nhưng vì tham gia biểu tình ôn hòa, ông đã trở thành kẻ thù của nhà nước.

Khi chính quyền ra lệnh cho quân đội trấn áp, Giải phóng quân Nhân dân đã sát hại và gây tàn phế cho hàng ngàn sinh viên tay không. Ông Phương là một trong những sinh viên này. Ngày 4 tháng Sáu năm 1989 ông bị xe tăng cán khi cùng với các sinh viên khác cố thoát khỏi quảng trường. Ông sống sót nhưng hai chân bị nghiến nát. Chân trái bị cưa dưới đầu gối, còn chân phải bị cưa ở giữa bắp đùi.

Ngay sau đó, các viên chức Trung Quốc bắt đầu gây áp lực buộc ông Phương phải “thừa nhận” rằng ông bị tàn phế là do một tai nạn giao thông đơn thuần.

Ông từ chối, ngay cả khi chính quyền không cấp bằng đại học cho ông khiến ông khó tìm việc. Thay vì nản lòng, ông quyết tâm phải giỏi trở lại trong thể thao.

Từ một kẻ tàn phế phải ngồi trên xe lăn, ông trở thành vận động viên vô địch về ném đĩa và phóng lao, phá hai kỷ lục châu Á trong cuộc tranh tài thể thao dành cho người khuyết tật toàn Trung Quốc năm 1992. Ông lọt vào cuộc tranh tài thể thao dành cho người khuyết tật Nam Thái Bình Dương và Viễn Đông và chấp nhận điều yêu cầu của chính quyền là ông không được hé lộ với phóng viên về đôi chân của ông.

Nhưng vào trước cuộc tranh tài này, rõ ràng do sợ rằng thế giới phát giác ra nguyên nhân sự tàn phế của ông, các viên chức Trung Quốc đã cấm ông thi đấu. Rồi từ đó ông không bao giờ được mời tham gia vào một cuộc tranh tài thể thao nào nữa.

Trở về tỉnh Hải Nam, ban đầu ông Phương làm việc cho văn phòng địa ốc nhưng rồi phải xoay sang ngồi bán thuốc lá và nước giải khát bên đường. Trong thời gian này ông cũng liên lạc với các cơ quan truyền thông nước ngoài để phát biểu về vụ thảm sát Thiên An Môn và về mưu toan của chính quyền nhằm che đậy vụ tai tiếng này.

Chẳng bao lâu sau ông thường xuyên bị quấy rầy. Người yêu của ông, rõ ràng bị Cục An ninh Trung Quốc gây áp lực, đã bỏ ông. Điện thoại nhà ông bị cắt thường xuyên, đôi lúc bị cắt ngang khi ông đang trả lời phỏng vấn của các cơ quan truyền thông nước ngoài như đài Tiếng nói Hoa Kỳ. Năm 1999, đang trên đường lên Bắc Kinh tìm việc làm, ông bị công an chặn lại ở một nhà ga, bắt giữ cả tuần lễ, rồi cảnh cáo không được rời nơi cư trú nếu không được phép.

Nhưng ông Phương vẫn tiếp tục bày tỏ ý kiến của mình không dè dặt. Năm 2001 ông nói với tờ New York Times: “Trong tương lai gần, rất có thể chính quyền sẽ không đảo ngược quan điểm của họ về vụ ngày 4 tháng Sáu. Có thể họ bắt đầu từ từ, như nói rằng sử dụng xe tăng là sai lầm.”

Với lý lịch như vậy, thật là kinh ngạc khi chính quyền Trung Quốc cấp hộ chiếu cho ông Phương vào tháng Tám năm 2008. Có lẽ họ nghĩ rằng cho ông ra định cư ở nuớc ngoài sẽ chẳng quan trọng gì đối với bất kỳ ai ngoài ông.

Họ đã lầm. Ông Phương đến Mỹ nhập cư vào tháng Hai vừa qua, và chờ đón ông là các nhà hoạt động nhân quyền, đứng đầu là ông Chu Phong Tỏa (Zhou Fengsuo), người đã từng là sinh viên Thiên An Môn hiện sống ở San Francisco; bà Sài Linh (Chai Ling), từng là một lãnh đạo của các cuộc biểu tình sinh viên Thiên An Môn sống ở Boston; và ông Michael Horowitz, thành viên của Viện Nghiên cứu Hudson của Washington.

Giờ đây họ công bố câu chuyện của ông và giúp ông giành lại những gì chính quyền Trung Quốc đã cướp đi của ông cách đây 20 năm, đó là khả năng đi lại. Nhờ các bác sĩ và các chuyên gia làm việc miễn phí, ông Phương đang điều trị vật lý trị liệu ở bệnh viện phục hồi chức năng Adventist ở Maryland. Ông đang tập đi lại bằng đôi chân giả kỹ thuật cao do công ty Ossur thân tặng (công ty này cũng chế tạo chân tay giả cho thương binh Mỹ).

Ngày 7 tháng 10 tới, ông Phương dự kiến sẽ khiêu vũ lần đầu tiên trong đời với vợ ở thủ đô Washington. Dịp này sẽ có sự tham dự của các vị dân cử trong Quốc hội Mỹ và sẽ được đưa lên YouTube. Khi ông khiêu vũ, người xem trên khắp toàn cầu “sẽ so sánh giữa hai hệ thống, giữa số phận của ông ở Trung Quốc và số phận của ông ở thể chế dân chủ,” ông Dương Kiến Lợi (Yang Jianli), người từng là sinh viên Thiên An Môn, và đã bị tù từ năm 2002 đến 2007, nói với tôi.

Bà Linh nhận xét với tôi là dịp khiêu vũ này của ông Phương “sẽ phát đi một thông điệp rất hùng hồn cho bao người đang đấu tranh tại Trung Quốc rằng họ không bị lãng quên.”

Một thông điệp như thế hiện nay đang rất cần, khi mà chính phủ Mỹ đang hạ thấp tầm quan trọng của nhân quyền. Bộ trưởng Ngoại giao Hillary Clinton tuyên bố vào tháng Hai rằng vấn đề nhân quyền “không thể ảnh hưởng” đến sự hợp tác Mỹ – Trung Quốc về kinh tế và về thay đổi khí hậu. Các viên chức cấp cao Mỹ cũng từ chối công khai gặp Đức Dalai Lama, người đại diện cho dân tộc thiểu số Tây Tạng bị đau khổ triền miên tại Trung Quốc.

Bây giờ bà Clinton có một cơ hội để chứng tỏ rằng bà không hoàn toàn quên về nhân quyền: bà hãy mời ông Phương khiêu vũ lần thứ hai trong đời ông cùng với bà.

________

David Feith là trợ lý biên tập tạp chí Foreign Affairs.

Nguồn: Wall Street Journal 25/9/2009

Bản tiếng Việt © 2009 Trần Quốc Việt

© 2009 talawas blog

21.9.09

MẮT THỦY TINH

John Kein Cross

Trần Quốc Việt dịch


Đâu đó ở một trong những cuốn sách triết học của Đông phương có một câu chuyện khác về Mắt Thủy Tinh. Nếu tôi nhớ đúng, câu chuyện kể về một người ăn xin ngày nọ đã van xin một nhà Triết học bố thí. Nhà triết học từ chối và đi tiếp con đường của mình. Nhưng người ăn xin vẫn kiên trì đuổi theo, miệng không ngớt xin tiền. Người ăn xin đuổi theo nhà triết học ra đến tận ngoài thành phố, cho đến lúc cuối cùng nhà triết học tuyệt vọng, dừng lại nói:
Được rồi, ta sẽ cho ngươi tiền. Nhưng với một điều kiện. Trong hai mắt của ta có một mắt thủy tinh. Ngươi hãy nói đó là mắt nào và ngươi sẽ có tất cả những gì ta có.
Người ăn xin nhìn ông chăm chú rồi cuối cùng nghiêm giọng nói
Thưa thầy, con mắt phải là con mắt thủy tinh ạ. Nhà triết học kinh ngạc.
Hãy nói làm sao ngươi biết – ông kêu lên – Con mắt đó đã do một người thợ giỏi nhất thế gian làm ra, không thể nào phân biệt nó với mắt thật được. Vậy làm thế nào ngươi biết rằng mắt phải của ta là mắt thủy tinh?
Thưa thầy vì – người ăn xin chậm rãi đáp – mắt phải của thầy là mắt ánh lên tình thương xót.

(Trích đoạn từ truyện ngắn Măt thủy tinh của tác giả John Kein Cross trong tuyển tập truyện ngắn Timeless stories for today and tomorrow)
(Đã đăng trên tạp chí Kiến Thức Ngày Nay số 76 năm 1992.)

17.9.09

BÊN KIA BỨC TƯỜNG

Christoph Niemann

Trần Quốc Việt dịch



Vào tối ngày 9 tháng 11 năm 1989, tôi đang xem tivi.
Thấy Bức tường Berlin đang sụp đổ, mà lòng sững sờ.

Trong đầu óc mười tám tuổi năm ấy tôi vẫn tưởng bức tường luôn luôn ở đấy, nào có hoài nghi rằng nó sẽ vẫn ở đấy đến muôn đời. Tin bức tường sụp đổ tựa như ai bảo tôi lục địa ngầm trôi dạt Bắc Mỹ và Á Âu bất ngờ đổi hướng khiến từ giờ trở đi ta có thể đi tản bộ từ Hamburg đến Boston.

Trong lần duy nhất đến Berlin bị chia cắt vào năm 1988, tôi đã trải nghiệm qua tất cả bao kỳ quặc kinh sợ nơi thành phố này. Tôi nhớ lại rõ ràng cảnh các nhà ga tàu điện ngầm được gọi là các ga ma : một số tuyến tầu điện xuất phát từ phía Tây chạy qua lãnh thổ phía Đông, khiến đi về mỗi ngày như đi qua cõi liêu trai. Hãy tưởng tượng ta lên tàu số 6 chạy tuyến mạn trên ở Union Square, nhưng thay vì dừng lại ở đường 23, ở đường 28, hay ở đường 33, con tàu chỉ chạy chậm dần lại, và ta liếc nhìn ra các sân ga bên đường hiu hắt ánh đèn với bóng dáng lính quân thù trang bị vũ khí đầy mình đang đi tuần tra. Rồi ta xuống tàu ở nhà ga Grand Central để mua tờ báo và chiếc bánh lót dạ như thể chẳng có gì xảy ra.

Chính thức mà nói, bức tường tồn tại để bảo vệ các công dân ở Đông khỏi bị tư bản Tây Berlin xâm lược. Ngày sau khi bức tường được dựng lên năm 1961 tờ báo tuyên truyền Đông Đức Neues Deutschland đăng đầy các lời cảm ơn của người dân Đông Berlin. Một bài báo đã so sánh cách hành xử có kỷ cương của các công dân xã hội chủ nghĩa với đám dân bên phía Tây:" Máu đã đổ và âm thanh điếc đặc đã rền vang lên ở buổi trình diễn nhạc của tay tổ sa đọa người Mỹ Bill Haley tại Cung thể thao tây Berlin. Tuy nhiên, nhờ vào các biện pháp bảo vệ biên giới tổ quốc của chúng ta, cuộc sống ở đây vẫn diễn ra bình yên."
Lý do thật sự bức tường được xây lên thì khác hẳn: không khéo Đông Đức mất hết dân. Hàng triệu người đã đào thoát qua biên giới mở ở bên trong Berlin kể từ lúc chiến tranh chấm dứt.

Ngày nay gia dình tôi và tôi sống rất gần đường Bernauer, nơi bức tường cắt ngang thành phố tàn nhẫn nhất. Vào sáng sớm ngày 13 tháng Tám năm 1961, những toán công an Đông Đức bắt đầu đóng biên giới giữa khu vực Xô Viết và Đồng Minh, chẻ thành phố thành Đông và Tây Berlin. Tại các nơi khác, đường phân chia thường chạy dọc theo biến giới tự nhiên, hay ít ra cũng băng qua những nơi đất trống. Riêng ở đây, bức tường chạy dọc theo con đường nhà dân bình thường. Người dân sống ở bên phía nam của đường Bernauer ngủ dậy thấy nhà mình nằm ngay sát biên giới, căn hộ của họ ở phía Đông, nhưng vỉa hè trưóc mặt toà nhà họ ở thuộc về phía Tây.

Hè vừa qua từ New York chúng tôi dọn về sống ở Berlin. Nhà cửa đến giờ vẫn chưa sửa sang xong. Chúng tôi đều mệt lử. Thêm vào đó chúng tôi có cháu bé hay khó tính, chỉ vui vẻ khi tôi đẩy xe đưa cháu đi dạo thật xa để thăm thú nơi ở mới. Thường thường hai cha con đi ngang qua Đài Tưởng Niệm Bức Tường ở góc đường Bernauer và đường Ackerstrasse. Chính nơi đây lần đầu tiên tôi thấy những tấm ảnh cũ chụp lại cảnh người dân nhảy ra khỏi cửa sổ căn hộ của họ để vượt thoát sang Phía Tây. Sau khi công an bịt kín bằng gạch các cửa sổ ở tầng thấp hơn, người dân cố gắng trốn thoát từ các cửa sổ ở tầng cao hơn. Mãi mãi bỏ lại sau lưng họ là bao tài sản, bạn bè, và thường cả gia đình. Bà Ida Siekmann chết ngay ở đây vào ngày 22 tháng Tám năm 1961, một ngày trước sinh nhật lần thứ 59, sau khi nhảy từ căn hộ của bà ở tầng thứ ba. Bà là nạn nhân chính thức đầu tiên của bức tường.

Thế mà ở đây chính tôi lại thương hại cho bản thân mình vì tôi ngủ chỉ có vài giờ và tôi không thể vào mạng thông suốt được.

Trong những ngày đầu tiên sau khi bức tường dựng lên, bức tường chỉ là đống kẽm gai giăng ngang. Anh Conrad Schumann, người lính 19 tuổi trong quân đội Đông Đức, đang đứng gác ở góc đường Ruppiner và đường Bernauser. Bên Phía Tây bao người đi bộ qua lại chế riễu và xỉ vả anh, rồi đột nhiên nổi hứng, anh bất đầu chạy và phóng mình qua hàng rào kẽm gai để sang Phía Tây, thế là trở thành nhân vật trong một trong những tấm ảnh ấn tượng nhất của thời đại. Mới gần đây thôi tôi chợt nhận ra rằng tôi thường hay chạy bộ ở ngay chính vỉa hè đó.

Ngày nay nơi tôi ở sầm uất với bao nhà hàng, cửa tiệm, phòng trưng bày tranh,và công viên cho trẻ em vui chơi, điều này càng khiến ta thêm rùng minh khi phát hiện ra biết bao tấn kịch đã từng diễn ra ở đây. Ngay sát chỗ tôi và các cháu trai chơi nghịch cát, cách đây độ hơn bốn mươi năm những người hàng xóm tôi hiện nay đã đào một con đường hầm qua đó 57 người đã đào thoát được trước khi có người chỉ điểm cho công an chìm biết sự tồn tại của đường hầm bí mật này. Một tấm ảnh khác ở đài tưởng niệm chụp cảnh cô dâu chú rể vấy tay chào cha mẹ từ phía bên kia hàng rào kẽm gai. Có lẽ họ chỉ sống cách nhau mấy con ngõ, giờ chia lìa nhau ở hai đầu hai nước rạch ròi, thù địch. Tôi nghĩ về cha mẹ tôi có thể lên tàu đi đến Berlin để xem cháu hát ở nhà trẻ.

Trong khi tôi cố gắng tìm về lịch sử qua các viện bảo tàng, sách và ti vi, cách đây 20 năm lịch sử đã thật sự đưọc làm nên chỉ cách một vài con phố ở Phía Đông trong giáo xứ quận Prenzlauer Berg. Người dân đã liều mất việc làm, liều làm tan nát tương lai con cái, và liều cả việc bị tống vào các trại tù Stasi khét tiếng, tuy nhiên họ vẫn hoạt động trong các nhóm đối lập trong suốt nhiều năm trời. Tựa như những nhóm tương tự ở Leipzig, họ bắt đầu tổ chức các cuộc biểu tình công khai vào mùa thu năm 1989. Chỉ trong vòng vài tuần, từ vài mươi người dấn thân can đảm đã lên đến hàng trăm ngàn người trên khắp cả nước, cuối cùng dẫn đến sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa.
Nước Đức, với cả một lịch sử đầy rẫy bao kinh hoàng tàn bạo, chiến tranh, và bạo lực vô nghĩa, cuối cùng đã trải qua một cuộc cách mạng mà không tốn một viên đạn nào.

Trong suốt 28 năm bức tường ở Berlin là một trong những biên giới đáng sợ nhất và khó vượt qua nhất. Ít người thoát qua được phía bên kia bình an vô sự; đa số đã cố liều mình nhưng rồi họ bị bắt và bị tống vào tù, và nhiều người bị sát hại trong lúc đang cố gắng vượt thoát. Ngày nay, chỉ còn rất ít chỗ còn sót lại tàn tích của bức tường năm xưa. Thay vào bức tường đã mất,người ta xếp hai gờ đá nhỏ,chạy song song vào các đường phố của Berlin để đánh dấu nơi đặt bức tường của một thời đã qua.
Hôm nay mỗi lần tôi đạp xe đạp băng qua vết sẹo nhân tạo này, tôi vội nhắm mắt lại và lòng dậy lên niềm biết ơn cái gờ đường bé nhỏ khiêm nhường ấy.


Nguồn :nytimes.com 18/5/2009


© 2009 Trần Quốc Việt

© 2009 talawas blog

4.9.09

LỊCH SỬ HÀNG HAI

Người chiến thắng viết lại lịch sử, người thua mất lịch sử. Nhưng lịch sử như thế nào nếu người thắng và kẻ bại chỉ là một? Nước Nga rơi vào trường hợp này, thắng Đức trong cuộc chiến tranh nóng thế giới lần thứ hai, thua nặng trong cuộc chiến tranh lạnh với thế giới tự do.

Thế là lịch sử chính thống đi hàng hai ở Nga, trông không giống ai hết, ngoại trừ ở mấy nước toàn trị như Việt Nam, Trung Quốc, Cuba, và Bắc Hàn, nơi lịch sử đã không còn là lịch sử trung thực bắt đầu ngay từ thời điểm người chiến thắng nắm toàn quyền trong tay, còn toàn bộ lịch sử trước đó bị họ đem nhúng vào cái chảo thuốc nhuộm chính trị để cho ra đời một thứ lịch sử quốc doanh chính thống một màu duy nhất, nhằm ru ngủ thế hệ hiện tại và lừa bịp các thế hệ sinh sau.

Tuần báo Newsweek viết như sau về lịch sử đi hàng hai ở Nga:

“Ở Nga, lịch sử quan trọng đến nỗi không thể nào phó mặc nó cho các nhà viết sử, hay ít ra đó là những gì mà Điện Kremlin dường như tin tưởng. Vào tháng Năm, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đề nghị rằng ‘chất vấn chiến thắng Xô-viết trong Thế chiến thứ hai’ nên được xem là một tội hình sự, và đã lập ra một uỷ ban có nhiệm vụ ‘phản bác lại những mưu toan làm giả lịch sử mà có hại cho quyền lợi của Nga.’ Ông Medvedev đang làm theo lời dạy trong cuốn cẩm nang cũ thời Xô-viết, theo đó dùng những sự kiện chính, cụ thể là sự thua trận của Quốc xã, để hình thành một bản sắc quốc gia tập thể cho nước Nga đa dạng về sắc tộc và ảm đạm về kinh tế ngày hôm nay. ‘Một phần cơ bản trong cẩm nang này là: hãy quên các tội ác cộng sản.’ Vào tháng Chạp vừa qua, cảnh sát Nga tịch thu tài liệu lưu trữ của Tưởng Niệm, một tổ chức phi chính phủ Nga chuyên ghi lại thời kỳ đen tối của chủ nghĩa Stalin. Sử gia người Anh Orlando Figes tin rằng bản in tại Nga cho cuốn sách đoạt giải của ông, bị huỷ bỏ vào đầu năm nay, là một nạn nhân khác của sự đúng lập trường mới về chính trị. Nước Nga hiện đại có thể là không toàn trị, nhưng Điện Kremlin rất cố ý giám sát một quan điểm lịch sử chính thống, và, giống như chính quyền tiền nhiệm cộng sản trước đây, họ sẵn sàng hy sinh sự thật nhân danh sự thống nhất.”[1]

Tôi có đọc ở đâu đó, người dân Bắc Hàn được dạy rằng quân đội Thiên hoàng Nhật đầu hàng là do cuộc kháng chiến anh hùng dưới sự lãnh đạo của Kim Nhật Thành. Họ không bao giờ biết đến hai quả bom nguyên tử Mỹ đã thả xuống Nhật. Người dân Bắc Hàn hôm nay nhìn lên mặt trăng vẫn chưa biết con người đã lên trăng cách đây bốn mươi năm. Họ không được biết, bởi vì kẻ thù Mỹ đã thực hiện được điều kỳ diệu này. Lịch sử với ý nghĩa đích thực của nó đã chết từ lâu ở Bắc Hàn.

Lịch sử chính thống ở Việt Nam ngày nay đâu có nhắc đến những sự kiện đau lòng như thảm cảnh vượt biển của hàng trăm ngàn người, những cuộc di dân cưỡng bách kiểu đem con bỏ chợ kinh tế mới. Mậu Thân được xem là chiến thắng kỷ niệm ồn ào ở ngoài đường phố, nhưng là “những dải khăn sô cho Huế” chưa bao giờ được cởi ra trong lòng người. Cải cách Ruộng đất, trong suy nghĩ của thế hệ trẻ ngày nay ở trong nước, chắc có lẽ chỉ là mốc khởi đầu bình thường cho một chuỗi dài của những chuyện sai rồi sửa, sửa rồi sai mà họ thấy thường xuyên trong đời. Họ đâu có được dạy qua sách giáo khoa ở trường về nó như là một nhát dao chí mạng đâm vào lòng đạo đức truyền thống được gầy dựng và chắt lọc từ bao đời của dân Việt. Cuộc chiến biên giới phía bắc chống Trung Quốc 1979 có mặt trong sách sử chính thống ngày nay không? Đừng nói gì đến những ngư dân Thanh Hoá bị giết chết hay những ngư dân Quãng Ngãi bị giam cầm. Họ là những hạt bụi trong vô vàn hạt bụi chưa bao giờ đươc cấp hộ chiếu để đi vào lịch sử quốc doanh của chế độ.

Lịch sử hàng hai của các chế độ toàn trị là giả lịch sử, nơi đến cuối cùng của nó không phải ở trong lòng người mà ở trong bãi rác của lịch sử đích thực.

© 2009 Trần Quốc Việt

© 2009 talawas blog


--------------------------------------------------------------------------------

[1] Xem bài của Owen Matthews, Newsweek, ấn bản phát hành ở Mỹ, số ra ngày 27 tháng Bảy 2009, trang 11