David Rose
Trần Quốc Việt dịch
Trùng hợp thay, tôi gặp Chương Triều Liêu ở đại lộ Las Vegas. Nơi gặp, trớ trêu, chẳng phải tại một trong các casino ông rất thích lưu tới nằm trên đại lộ này; mà tại toà nhà hoàn toàn khác hẳn nằm ở mạn bắc cách đó vài dặm, đó là Toà án Liên bang Hoa Kỳ. Từ xà lim, nơi tạm giam tù ở toà án, ông thiểu não đưa mắt cố nhìn qua bức lưới đan dày. Buồn cũng dể hiểu thôi, vì lát nữa, ngay trong buổi sáng ngày 5 tháng Ba năm 2009 ấy, ông sẽ bị toà tuyên án. Ông Liêu bị buộc tội dự mưu và lừa đảo liên quan đến hàng triệu Đô la, số tiền này không do ngân khố Mỹ phát hành mà chạy ra từ các máy in bạc giả ở nước ngoài, rõ ràng là từ Bắc Hàn. Chất lượng những tờ bạc siêu giả này cao đến nỗi ông đưa được một lượng tiền giả rất lớn vào các máy kiểm tra tiền điện tử, vốn được lắp đặt ở toàn bộ các máy kéo ở Las Vegas, một cách an toàn. Viên công tố yêu cầu chánh án kết án ông gần 25 năm, song cuối cùng ông Liêu nhận hơn 12 năm tù.
Tội của ông Liêu đe dọa không chỉ đến tính trung thực của tiền tệ Mỹ mà còn chính đến cấu trúc của hoà bình quốc tế. Những hành vi phạm pháp của ông là phần của một mạng lưới tội phạm rộng lớn mà người ta tin là do Bắc Hàn thiết lập và kiểm soát nhằm mục đích tài trợ cho các chương trình vũ khí hạt nhân và hoả tiễn đạn đạo của mình. Các chuyên gia phân tích tình báo khẳng định rằng toàn bộ mạng lưới này được điều hành bởi một cơ quan bí mật bên trong chính quyền Bắc Hàn và được đặt dưới sự kiểm soát trực tiếp của chính “Lãnh tụ Kính yêu” Kim Chính Nhật. Cơ quan này có tên là Cục 39. (Do ở Bắc Hàn cái gì cũng mờ ảo, các chuyên gia không thống nhất về cách nên gọi đúng “Cục” này là “Cơ quan” hay “Phòng ban”, và họ cũng ngờ rằng con số này chính nó có thể thay đổi.) Cho tới chỉ cách đây vài năm, các cơ quan thi hành luật pháp Mỹ đã đặt Cục 39 trong tầm ngắm của họ – từ việc điều tra mạng lưới của nó, đến vô hiệu hoá các chân rết, và dần dần chặt đứt nguồn ngoại tệ mạnh bất hợp pháp. Thể rồi chính quyền của Tổng thống Bush cương quyết đình chỉ vụ này.
Ông Liêu, sinh ở Đài Loan năm 1962, có tên Mỹ là Wilson. Đời ông có duyên nợ với Las Vegas, nơi cứ mỗi cuối tuần, từ nhà mình ở San Marino, một khu giàu có ở Los Angeles, ông thường cùng vợ, tên là Lý Minh, đến đây. “Hai con gái tôi thích tắm trong các hồ bơi ở đây, thế là cả nhà đến đây để bơi lội, đi mua sắm, và ăn uống,” ông Liêu buồn rầu kể lại. “Chúng tôi xem sô ca nhạc, chẳng hạn sô của Celine Dion, nhạc của cô khiến lòng tôi xúc động. Tối đến, chúng tôi thường chơi kéo máy.”
Trước khi ông Liêu cuối cùng bị bắt ở casino Caesars Palace vào tháng Bảy năm 2007, ông đã dùng các casino để rửa tiền siêu giả với trị giá tiền mặt lên đến vài triệu Đô la. Phần lớn số tiền giả này sau đó lưu hành bên ngoài.
Vào ngày 4 tháng Tư năm 2009, 30 ngày sau khi ông Liêu bị tuyên án, Bắc Hàn phóng hỏa tiễn đạn đạo tầm xa mới có tên là Đại Thần công 2; nếu phóng thành công, hỏa tiễn này có khả năng đến nhiều nơi ở Mỹ. Liên hiệp quốc và nhiều chính phủ đã lên án ngay lập tức vụ thử hỏa tiễn này. Bắc Hàn xem phản ứng quốc tế này là một sự “sỉ nhục không chịu được”, liền trục xuất các nhân viên thanh tra của cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế. Trước đó Bắc Hàn đã rút lui ra khỏi đàm phán quốc tế về chương trình vũ khí nguyên tử của mình. Vào ngày 25 tháng Năm, Bắc Hàn tiến hành thử vũ khí hạt nhân dưới mặt đất, sức nổ của quả bom nguyên tử này được coi là mạnh bằng quả bom đã huỷ diệt Hiroshima năm 1945. Lại bất chấp bao phản đối quốc tế, ngày hôm sau Bắc Hàn bắn tiếp ba hoả tiễn tầm ngắn. Vào ngày 4 tháng Bảy, Bắc Hàn lại mạnh tay hơn, bắn bồi thêm bảy hỏa tiễn nữa vào biển Nhật Bản, qua đó đe dọa trực tiếp toàn bộ vùng Nhật Bản và Nam Hàn.
Mối liên hệ giữa những tờ bạc giả của ông Liêu và những vũ khí hạt nhân và hỏa tiễn của Bắc Hàn là mối quan hệ cật ruột. “Hơn 70 phần trăm bộ phận của hỏa tiễn đều phải nhập từ nước ngoài,” theo lời của ông Syung Je Park, một giám đốc của Viện Nghiên cứu Chiến lược châu Á hợp tác với quân đội Nam Hàn, người mà tôi đã gặp (theo sự nằng nặc của ông) tại một nơi an toàn ở London. Ông Park đã thẩm vấn hơn 1000 người đào thoát Bắc Hàn, trong đó có ông Hwang Jang Yop, một thời là lý thuyết gia hàng đầu của chế độ và cũng là thầy của Kim Chính Nhật. Bắc Hàn trông chờ vào viện trợ quốc tế để tránh bị đói. Do vậy, ông Park nói “Họ cần tiền. Tiền họ có thể lấy từ đâu khác ra?” Câu trả lời, ông và các viên chức cấp cao Mỹ tin chắc, là nhờ vào phương tiện tội phạm có tổ chức: không chỉ sản xuất ra tiền giả mà còn làm và xuất cảng thuốc lá và dược phẩm giả, và bán các loại ma tuý như heroin và thuốc lắc dạng “đá”.
Như đã nhận xét, tâm điểm của toàn bộ hoạt động này là Cục 39. Tuy nhiên, một câu hỏi cần được trả lời là, sau khi Tổng thống Bush bỏ cuộc dở chừng, liệu chính quyền của Tổng thống Obama có phục hồi nỗ lực chống Cục này hay không.
Chính ngôi sao điện ảnh Choe Eun Hee, người bị bắt cóc vào năm 1978 theo lệnh của Kim Chính Nhật và trong vòng chín năm trời bị bắt buộc làm những bộ phim tuyên truyền, là người đầu tiên, sau khi đào thoát, cho biết rằng Kim Chính Nhật rất mê phim, đặc biệt phim James Bond. Nếu Kim Chính Nhật quyết định làm phim hành động tương tự kiểu cây nhà lá vườn, những người viết kịch bản phim rất có thể tìm được các vật liệu thích hợp cho phim ở trong toà nhà tứ giác, nơi đặt trụ sở của Cục 39, bên trong khu Ủy ban Trung ương Đảng rợp bóng cây ở trung tâm Bình Nhưỡng. Bắc Hàn vẫn là một trong những nước bí hiểm nhất thế giới, do vậy việc moi ra được những chi tiết về Cục 39 quả không dễ dàng. Giống như băng Mafia tư nhân, Mafia quốc doanh Bắc Hàn áp dụng luật im lặng qua bạo lực và khủng bố. Tôi đã thoáng nhìn trực tiếp điều này qua cuộc phỏng vấn ông Liêu ở phòng giam tạm tại tòa. Khi ông nói về gia đình mà ông sắp mất do ở tù, ta có thể cảm nhận nỗi tuyệt vọng của ông, và lát sau khi ông chánh án James Mahan cho phép ông phát biểu trước tòa, ông suy sụp hoàn toàn. Nhưng khi tôi hỏi ông Liêu, tại sao ông đã không thương lượng với bên công tố, đổi kiến thức của người trong cuộc như ông để lấy bản án nhẹ hơn, câu trả lời của ông bộc lộ một tâm trạng hoàn toàn khác. “Người Bắc Hàn là bạn tôi,” ông nói. “Tôi có mối liên hệ tốt với họ. Tôi có thể kiếm tiền dễ dàng với họ. Nhưng phản bội họ thì không thể.”
Ông David Asher, người bắt đầu theo dõi Bắc Hàn ở Ngũ giác Đài dưới thời Tổng thống Clinton, rồi tiếp tục phục vụ từ năm 2003 dến năm 2005 với tư cách là người đứng đầu Ủy ban Hành động chống những hoạt động bất hợp pháp thuộc Bộ Ngoại giao (Illicit Activities Initiative) chuyên điều tra sâu rộng về Cục 39 và những hoạt động đa đạng của nó. Chương trình này còn có sự tham gia của Bộ Ngân khố, cơ quan bài trừ ma tuý, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, CIA, và FBI. “Cục 39, xét theo một góc cạnh, giống như một ngân hàng đầu tư,” ông Asher nói, “Nó cung cấp tiền để mua những thứ Kim Chính Nhật cần. Giống như sự làm ăn chung của các băng đảng tội phạm có tổ chức, bạn phải có một bố già, bạn phải có các kế toán, đó là một tổ chức làm ăn rất phức tạp, từ việc theo dõi tất cả sổ sách tiền bạc đến việc không được quên rằng phải nộp tiền cho ông trùm. Nhưng khi các thành viên của tổ chức không thực hiện những gì đã hứa, họ sẽ bị giết.” Theo lời ông Syung Je Park, những nhân viên tài giỏi nhất ở tổng hành dinh của Cục 39, khoảng độ 130 người, vạch kế hoạch và giám sát các hoạt động ở nước ngoài (việc trừ khử thường để giới băng đảng địa phương ra tay) và quản lý các cơ sở sản xuất lớn như các nhà máy làm thuốc lá và ma tuý và các máy in giấy bạc giả. Ông Paul Janiczek, cựu chuyên viên phân tích chuyên về Bắc Hàn ở Bộ Ngoại giao nhận xét, “Cục 39 là đầu não. Tất cả những gì tôi xem xét đều xuất phát từ nơi đó mà ra.” Ông Janiczek cho tôi xem biểu đồ của Bộ Ngoại giao mà minh họa cấu trúc như mê cung của quyền lực Bắc Hàn. Biểu đồ này nêu đích danh người đứng đầu Cục 39, đó là ông Kim Tong-un, trước đây từng là lãnh đạo trong công nghiệp. Ông Syung Je Park cho biết một trong những nhiệm vụ của Cục 39 là quản lý những tài khoản ngân hàng cá nhân lên đến hàng tỷ Đô la của Kim Chính Nhật tại Thuỵ Sỹ và tại những ngân hàng giữ tiền an toàn khác trên khắp thế giới. Cục 39 còn làm việc chặt chẽ với các bộ phận khác, chẳng hạn Cục 99, nơi chuyên về kinh tài nhờ bán hoả tiễn và các vũ khí khác mà sự phát triển của chúng có đóng góp của Cục 39. Hay Cục 35 với trọng trách là cố gắng phá hoại Nam Hàn. Trong cấu trúc quyền lực như ma trận này của Bắc Hàn, Cục 39 ở vị trí thủ lĩnh. Ông Park nêu ra một ví dụ: “Nếu Cục 99 làm ăn có lời, toàn bộ tiền lời đó phải nộp cho Cục 39.”
Nói một cách khác, toàn bộ hoạt động tội phạm này đã trở thành một phần không thể thiếu được của nền kinh tế Bắc Hàn. “Nó không những hái ra tiền,” ông Asher khẳng định, “mà còn ăn khớp với chiến lược của họ là phá hoại quyền lợi kinh tế của các nước phương Tây.” Đã từ lâu các viên chức Mỹ và Nam Hàn phụ trách về tình báo ý thức rằng Bắc Hàn đứng đằng sau rất nhiều các hoạt động xã hội đen: trải qua nhiều năm, có ít nhất 50 trường hợp phạm pháp được ghi nhận, trong đó có nhiều vụ liên quan đến việc bắt và giam giữ các nhà ngoại giao Bắc Hàn tại hàng chục nước, cáo buộc họ có liên quan đến buôn lậu ma tuý và tiền giả, hay cả hai. Nhưng mãi đến năm 2002, mức độ lớn lao của công việc kinh doanh xã hội đen cấp quốc gia này mới trở nên rõ ràng sau khi ông Asher, cùng làm việc với ông William Newcomb, nhà phân tích kinh tế cấp cao của cơ quan tình báo và nghiên cứu, xem xét kỹ càng hơn các “số liệu thống kê đối chiếu” được tính toán hằng năm – nhằm tính toán lượng ngoại tệ mạnh của chế độ dựa theo những dữ liệu xuất cảng và nhập cảng của Bắc Hàn do các đối tác thương mại của nước này cung cấp. “Chúng tôi đã biết nền kinh tế của họ gặp khó khăn rất lớn,” ông Ashler nói. “Điều chúng tôi không thể hiểu được là tại sao các biện pháp trừng phạt dường như không làm họ bận tâm, hay khiến họ muốn thương lượng về chương trình vũ khí hạt nhân của mình. Lẽ ra họ đã bị phá sản từ lâu, thế nhưng họ có vẻ như vẫn tồn tại.”
Ông Ashler và ông Newcomb kết luận rằng kể từ năm 1990, tổng thâm thủng mậu dịch chính thức của Bắc Hàn là hơn 10 tỷ Đô la, và mỗi năm tăng thêm 1,2 tỷ Đô la. Tuy nhiên, cho dù nước này, kể từ những năm 1970, không thể vay mượn tiền trên thị trường quốc tế, chế độ vẫn xoay sở có được đủ ngoại tệ mạnh để nhập về không những các thiết bị quân sự mà còn cả bao hàng hoá để nuôi dưỡng nền “kinh tế cung đình” của Kim Chính Nhật cùng với giới thân cận. Lối sống của họ phụ thuộc vào những hàng ngoại nhập về như xe hơi, rượu cognac, hàng điện tử cấp cao và các hàng xa xỉ khác, hoàn toàn khác xa với nếp sống khắc khổ của người dân thường. (Năm 1991, chính quyền Bắc Hàn phát động chiến dịch “Chúng ta hãy ăn ngày hai bữa” – một khẩu hiệu mà bản thân giới lãnh đạo không làm theo.” Khoảng trống giữa nhu cầu ngoại tệ mạnh của chế độ và phương tiện của nó được Cục 39 điền vào, theo ước tính mang về mỗi năm độ chừng 500 triệu đến 1 tỷ Đô la hay nhiều hơn nữa.
So với lượng tiền Mỹ đang lưu hành trên khắp thế giới, ít nhất một nửa số giấy bạc này đang nằm trong tay những người ở ngoài nước Mỹ, tính đến hôm nay toàn bộ số tiền siêu giả mà người ta tin là do Bắc Hàn làm ra tuy là không nhiều, nhưng chất lượng siêu đẳng của nó có thể gây ra những hậu quả khôn lường. Năm 2004, Ngân hàng Trung ương ở Đài Loan báo động rằng tiền siêu giả đã xuất hiện ở đảo quốc này. Điều này đã gây ra sự rúng động, thế là khách hàng ào ào đổ xô đến các ngân hàng mong tìm cách trả lại những tờ bạc 100 Đô la mà tổng giá trị lên đến hàng trăm triệu, dẫu rằng đa số những tờ bạc này hoàn toàn thật. ”Thực tế là tẩy chay Đô la,” ông Asher nhận xét. “Vì đâu có ai biết tiền mình đang có là thật hay giả.”
Cơ quan đặc nhiệm Secret Service, trực thuộc Bộ Ngân khố, thường đi đầu trong cuộc chiến chống tiền giả, đã duy trì cuộc điều tra về tiền siêu giả trên phạm vi toàn thế giới kể từ năm 1989, khi mẫu tiền siêu giả lần đầu tiên, thô thiển hơn tiền siêu giả hôm nay, được một người thâu ngân ngân hàng ở Philippines phát hiện, rõ ràng là vì khi sờ đến nó “cảm thấy” không bình thường. Kể từ năm 1996 trở đi, Mỹ đã cố gắng cao tay hơn các tay sản xuất tiền siêu giả bằng cách hai lần thay đổi thiết kế của tờ bạc 100 Đô la, nhưng rồi bọn làm bạc giả này cũng đuổi kịp. Tiền siêu giả đã hiện diện ở nhiều nước khắp châu Á, châu Âu, và Trung Đông. Suy ra từ vụ ông Liêu, hiện nay một số lượng tiên siêu giả đáng kể đang bắt đầu lưu hành ngay bên trong nước Mỹ.
Các tờ bạc siêu giả được tạo ra với sự cẩn trọng phi thường. Ông Klaus Bender, một chuyên gia về in ấn tiền giấy, trong cuốn sách Moneymakers của mình, viết rằng không giống với những loại tiền giả khác, và càng không giống bất kỳ các tiền tệ khác ngoại trừ tiền giấy thật của Mỹ, những tờ bạc siêu giả này cũng dùng giấy có những sợi dài chạy song song, được sản xuất ra từ một cái máy tên là Fourdrinier và gồm có 75 phần trăm sợi bông Mỹ và 25 phần trăm sợi lanh. Giống như tiền thật, tiền siêu giả hiện đại cũng được in bằng ” mực chuyển màu quang học”, mà tuỳ theo góc độ ánh sáng, màu dường như chuyển từ màu xanh hơi nâu óng ánh sang màu đen. (Quả thật, chất lượng của những tờ bạc siêu giả này siêu đẳng đến nỗi ông Bender gợi ý rằng Bắc Hàn hoàn toàn không thể làm được, mà có thể chỉ do CIA làm ra bí mật ở đâu đó tại Mỹ, một gợi ý không có cơ sở.)
Chất lượng in tiền siêu giả là tuyệt hảo. Lại một lần nữa giống như tờ bạc Đô la thật, những tờ tiền siêu giả này được in ra từ một loại máy in chìm đặc biệt để những hoa văn phức tạp của tiền được nâng lên trên bề mặt. Những đặc điểm nhận dạng được in chìm siêu nhỏ này, bằng 1/42000 của một inch, của tờ bạc Đô la thật, được tái tạo chính xác trên các tờ bạc siêu giả. Tại phiên toà xử ông Liêu ở Las Vegas, phía công tố đã phóng lớn hình ảnh của các tờ giấy bạc siêu giả gấp hàng trăm lần kích cỡ bình thường của chúng, nhưng thậm chí sau khi được phóng lớn lên như vậy, một nhân viên FBI điều tra vụ án phải than lên rằng đến mức này mà mắt thường vẫn còn không nhận ra nổi đâu là tiền giả đâu là tiền thật. Ông nói, “Thú thật, giá tôi là luật sư bảo vệ cho bị cáo, tôi sẽ hỏi bên công tố, làm sao các ông có thể chứng minh đây là tiền giả? Luật sư cho bị cáo có thể thuyết phục bồi thẩm đoàn rằng chúng là tiền thật.” Ông Lorelei Pagano, một chuyên gia tiền giả làm việc cho Secret Service, phát biểu trong một hội nghị kín vào năm 2003 của ngành công nghiệp tiền giấy rằng những kẻ làm ra những tờ bạc siêu giả có lẽ cố ý thêm vào các khiếm khuyết thật nhỏ để họ và khách hàng của họ có thể phân biệt tiền giả và tiền thât. Không làm như vậy sẽ không có cách gì ngăn chặn giới tội phạm không lừa chính kẻ bán tiền siêu giả bằng cách dùng chính tiền siêu giả để mua tiền siêu giả, mà giá bán bằng chỉ khoảng một phần ba giá trị mặt của nó.
Khắc tinh của ông Wilson Liêu là một người tên Bob Hamer, vốn là một nhân viên FBI giờ đã về hưu. Ông mới xuất bản cuốn tự truyện The Last Undercover thuật lại 26 năm gắn bó với cơ quan điều tra liên bang, chủ yếu hoạt động trong bóng tối. Cuộc điều tra do ông tiến hành kéo dài ba năm, có mật danh là Chiến dịch Smoking Dragon, không phải bắt đầu từ tiền siêu giả mà từ thuốc lá giả, được tuồn từ Trung Quốc vào các cảng ở tiểu bang California lên đến hàng triệu điếu. Ông Asher cho biết thuốc lá giả cũng xuất phát từ Bắc Hàn, và là chủ đề của một bản báo cáo của hiệp hội các công ty thuốc lá. Đóng vai là người đi buôn thuốc lá, một nhân viên điều tra của hội đã bí mật đi thăm các nhà máy Bắc Hàn ở Bình Nhưỡng và thành phố Rajin vùng đông bắc. Các nhà máy này chuyên làm giả các loại thuốc lá có thương hiệu nổi tiếng ở phương Tây như Marlboro với số lượng nhiều đến mức mỗi năm chúng thu về đến 720 triệu Đô la tổng doanh thu. Ông Hamer lập ra những chuyện làm ăn giả để thâm nhập vào đường dây buôn lậu thuốc lá, chẳng mấy chốc nhiều đầu mối làm ăn với ông tưởng ông cũng là tay buôn lậu như họ. Vào mùa Xuân năm 2004 tổng hành dinh FBI yêu cầu ông Hamer và các đồng nghiệp của ông xem thử có lấy được tiền siêu giả của Bắc Hàn không. Một trong những khách hàng ruột của ông Hamer tên Châu Tùng “John” Vũ, người này cuối cùng đã nhận tội buôn lậu tiền giả, thuốc lá và ma tuý cũng như làm môi giới cho một vụ mua bán hỏa tiễn, loại đặt trên vai để bắn, sản xuất tại Trung Quốc, nhưng rồi chết trước khi bị kết án. Ông Vũ hứa có thể tìm được nguồn hàng nhờ vào sự giúp đỡ của một kẻ thường xuyên đi Bắc Hàn. Đó chính là ông Wilson Liêu. Trong một lần gặp mặt bị ghi âm lén, ông Vũ cam đoan tiền giả này là hàng rất xịn, “ cả khi anh đến Las Vegas chơi, cứ an tâm đưa tiền vào máy, máy nhận ngay.”
Chỉ trong vòng vài tuần, ông Vũ mang đến cho ông Hamer một tờ mẫu tiền giả “cũ” để xem, nhưng căn dặn ông trước khi đặt mua số lượng nhiều thì ông Hamer nên chờ phía làm bạc giả hoàn thiện hẳn tiền siêu giả loại tờ 100 Đô la mới phát hành năm 2003. Chờ dài hàng tháng trời, nhưng rồi cuối cùng vào tháng Ba năm 2005, ông Vũ điện thoại ông Hamer, nói rằng ông ta đang có hai tờ bạc mẫu, và cuối cùng trao chúng cho ông Hamer tại một nhà kho bí mật ở thành phố Montana, bang California. Ông Hamer liền trao lại chúng cho một nhân viên Secret Service nhờ yêu cầu thử xem tiền thật hay giả. Ông Hamer nhớ lại, “Vài ngay sau tay này gọi tôi, mắng ‘Sao ông lại đưa tôi những tờ bạc này lam gì? Tiền thật quá đi chứ!’ Tôi đáp, ‘Nếu mấy tờ quái quỷ đó mà là tiền thật tôi sẵn sàng thế chấp nhà tôi ở cho ngân hàng để vay vốn đi buôn chúng, vì tôi chỉ trả có 30 xu cho một Đô la loại này’.” Ông Hamer đề nghị gởi những tờ bạc đó đến phòng thí nghiệm trung ương ở thủ đô Washington, nơi này xác nhận chúng quả thực là tiền giả.
Ông Vũ giới thiệu ông Hamer với ông Wilson Liêu tại khách sạn Ritz-Carlton ở thành phố Pasadena. Trong buổi làm quen nay, được thu hình lại, ông Liêu đã không tiết lộ rõ bằng cách nào ông ta có thể thu mua thêm được nhiều tiền siêu giả, nhưng ông khoe về mối quen biết cá nhân ở Bắc Hàn. Ông Vũ thúc giục ông Hamer cứ theo kế hoạch mua khoảng một triệu Đô la tiền siêu giả, và số tiền giả này sẽ được gởi tới Mỹ, ông Vũ nói thêm ông sẽ đứng ra bảo đảm chuyến hàng trót lọt qua việc sử dùng căn nhà của ông Liêu ở Bắc Kinh làm thế chấp. Đi xa hơn nữa, ông Vũ còn đề nghị nên mở một nhà máy sản xuất thuốc lắc dạng “đá” ngay bên trong Bắc Hàn, rồi từ đó làm bàn đạp xâm nhập các mạng lưới phân phối thuốc tại châu Á. “Chúng tôi đề nghị mãi kế hoạch này lên trên, “ông Hamer hồi tưởng lại, “nhưng cơ quan điều tra liên bang nhất định không cho phép chúng tôi đầu tư vào việc sản xuất ma tuý.”
Dùng tiền đẻ ra từ các hoạt động bí mật khác, ông Hamer đã chuyển khoản số tiền 350 ngàn Đô la, chia làm hai lần, vào tài khoản ngân hàng của một đầu mối của ông Liêu tại Bắc Kinh. Ông trả tiền qua chuyển khoản lần đầu vào ngày 6 tháng Tư năm 2005, ngay ngày hôm sau ông nhận được một bưu phẩm do FedEx chuyển đến, trong đó có 15 tờ bạc siêu giả và một thẻ nhớ computer lưu các tấm ảnh chụp nhiều bó tiền mệnh giá 100 Đô la trông giống như thật. Vào cuối tháng, một chuyến hàng công-ten-nơ chất đầy những cuộn vải trên đường đến Mỹ, nơi nhận cũng là kho hàng ở Pomona. Chen lẫn giữa những súc vải này, ông Liêu hứa với ông Hamer, là số tiền siêu giả có tổng giá trị bề mặt 700 ngàn Đô la. Ông Liêu giữ đúng lời hứa.
Sau nhiều lần bí mật gặp gỡ và thanh toán tiền, ông Hamer nhận tiếp thêm 223.600 Đô la tiền siêu giả. Ông tổ chức lần gặp cuối cùng với ông Liêu tại khách sạn Ritz-Carlton vào ngày 17 tháng Tám. Lần này ông Liêu đến trễ do lái xe từ Las Vegas về muộn. Nhân tiện đó ông khoe với ông Hamer rằng mình là khách đánh lớn đến độ các casino lớn nhất ở đại lộ Las Vegas như Mirage, Mandalay Bay và Caesars Palace đã ban cho ông hạng VIP, ăn ở đều miễn phí. Ông cho ông Hamer xem hóa đơn vận chuyển một chuyến hàng công-ten-nơ khác sắp đến. Độ tuần sau, hàng về, giấu kín bên trong những cuộn vải là 983.500 Đô la tiền siêu giả.
Vào lúc cả ông Vũ, ông Liêu và vài tay buôn lậu thuốc lá nằm khám, ông Hamer cất mẻ lưới cuối cùng với các tay sừng sỏ còn lại ở vùng Los Angeles, nhờ dùng mưu kế điệu hổ ly sơn, mời các chiến hữu đến tham dự bữa tiệc vui mừng ly dị được vợ, do ông bịa ra, ở dinh thự Playboy Mansion. Gần như cùng thời gian đó, ở bờ biển phía đông nưóc Mỹ, một chiến dịch khác mang tên Royal Charm của FBI đã thu gom bọn buôn lậu tiền siêu giả và thuốc lá giả Bắc Hàn. (Vẫn bổn cũ soạn lại, lần này các tay anh chị được mời dự một đám cưới ma, tổ chức trên một du thuyền ở thành phố Atlantic.) Mặc dù đang bị cáo buộc có tội nhưng chưa bị kết án, nhờ đóng tiền thế chân, ông Liêu đã được tại ngoại, trong khi chờ toà xử. Ông Liêu vẫn tiếp tục tiêu thụ tiền siêu giả ở Las Vegas trong khoảng gần hai năm nữa. Ông bị bắt lại lần thứ hai khi Secret Service, sau khi nhận được tin tình báo cho hay tiền siêu giả đang rót vào các casino, liền gắn các thiết bị phát hiện nhạy cảm bên trong các máy kéo ở Caesars Palace. Cho đến nay vẫn không biết chính xác ông Liêu đã rửa được bao nhiêu tiền, nhưng tài khoản trong thẻ chơi của ông tại casino MGM hé lộ rằng chỉ tính riêng ở các máy kéo tại casino MGM Mirage, ông đã đặt vào hơn 1,2 triệu Đô la năm 2005; 1,8 triệu Đô la năm 2006 và 574 ngàn Đô la trong sáu tháng đầu năm 2007. Trong vòng từ tháng Hai năm 2006 cho tới lúc bị bắt lại lần thứ hai, ông đã đưa gần 2 triệu Đô la vào các máy kéo tại Caesars Palace. Qua các camera theo dõi đặt tại casino cuối cùng người ta khám phá ra kỹ thuật rửa tiền của ông Liêu. Trăm lần như một, ông Liêu dường như muốn chơi lớn với cả ngàn Đô la giấy bạc siêu giả, nhưng chỉ kéo máy vài lần để đặt độ cho có lệ, để lại số tiền đã đặt rồi nhưng chưa chơi vẫn còn khá nhiều. Xong ông bấm nút lấy biên nhận cho số tiền còn lại rồi đến quầy tính tiền để đổi biên nhận sang tiền thật.
Hôm tuyên án ông Liêu ở tòa vào tháng Ba vừa qua, ông Tim Vasquez, trợ lý cho luật sư công tố đại diện liên bang Mỹ, đã gọi tiền siêu giả Bắc Hàn là “một sự tấn công nghiêm trọng vào hệ thống tiền tệ của Hoa Kỳ.” Sự tấn công này có hậu quả như thế nào? Trong nhiều năm, các cơ quan Hoa Kỳ tuyên bố công khai rằng số lượng tiền siêu giả lưu hành trên toàn thế giới chỉ độ 50 triệu Đô la. Con số nào đi chăng nữa, đặc biệt con số phỏng đoán về tiền giả chất lượng cao, rõ ràng vẫn chỉ là phỏng đoán. Tại cuộc điều trần trước Quốc hội năm 2006, ông David Asher ám chỉ rằng toàn bộ lượng tiền siêu giả có thể lên đến hàng trăm triệu. Nhưng theo lời ông Syung Je Park, năm 2007 Bắc Hàn đã mua một số lượng rất lớn giấy Fourdrinier đặc biệt, “đủ để in ra 2 tỷ Đô la”.
Trong bài diễn văn thường lệ hằng năm đọc trước Lưỡng viện Quốc hội vào tháng Giêng năm 2002, Tổng thống Bush đã đưa ra tuyên bố nổi tiếng rằng Bắc Hàn là một nước thuộc khối “Trục của cái Ác” cùng với Iran và Iraq. Lời tuyên bố nhớ đời và nghiêm khắc đó nhấn mạnh đến nỗ lực của Ủy ban Hành động chống những hoạt động bất hợp pháp. Bên cạnh các chiến dịch Smoking Dragon và Royal Charm truy quét thành công tội phạm, Ủy ban này đã ghi nhiều thắng lợi đáng kể khác. Trong số đó có các trường hợp liên quan đến ma tuý. Dựa vào tin tình báo do Mỹ cung cấp, hải quân Úc năm 2003 đã khám xét và bắt giữ chiếc tàu Pong Su của Bắc Hàn vì tội chở 150 ký lô heroin. Bắc Hàn, trong nhiều năm liền, đều có liên quan mật thiết đến việc đưa lậu ma tuý vào các nước láng giềng và các nước xa xôi hơn khác. Năm 2003, các viên chức quốc phòng Hoa Kỳ cho biết Bắc Hàn là nước sản xuất thuốc phiện lớn, đứng hạng thứ ba trên thế giới sau Afghanistan và Miến Điện. Tài liệu giải mật của Ngũ giác Đài khẳng định thuốc phiện của Bắc Hàn được chế biến sang heroin tại các nhà máy quốc doanh. Uỷ ban Kiểm soát Ma tuý ở Trung Quốc xem Bắc Hàn là một trong ba “con đường vàng” cung cấp heroin. Người Trung Quốc dùng từ “Kim lộ” có ngụ ý khác, rõ ràng vì chữ “kim” cũng ám chỉ đến họ của Kim Chính Nhật. Cục 39 còn tổ chức nhập cảng ephedrine, một hóa chất chính đầu tiên để tạo ra thuốc lắc dạng ”đá”, sau đó sản xuất thuốc lắc này và tuồn chúng ra nước ngoài. Cảnh sát Nhật tin rằng thuốc lắc từ Bắc Hàn chiếm một số phần trăm thị phần cao trong lượng thuốc lắc bán ra bên ngoài ở các đường phố Nhật. Như ông Syung Je Park nhận xét, “tiền thu về từ ma tuý và tiền thu về từ tiền giả đều chạy thẳng vào Cục 39. Từ đó tiền của Cục 39 chịu sự kiểm soát trực tiếp của Kim Chính Nhật. Và ưu tiên số một của họ Kim là phát triển tên lửa và vũ khí hạt nhân.”
Uỷ ban Hành động chống các hoạt động bất hợp pháp cũng truy đến các ngân hàng. Trong tháng Sáu năm 2004, Mỹ đã gây sức ép thuyết phục được chính phủ Áo đóng cửa Ngân hàng Sao Vàng, hoàn toàn do Bắc Hàn sở hữu, ở Vienna. Tình báo Áo tình nghi rằng Ngân hàng Sao Vàng bảo kê cho việc phân phối tiền siêu giả và cũng tìm cách mua chất liệu làm phân rã hạt nhân. Rồi đến tháng Chín năm 2005, một tháng sau khi ông Liêu và các đồng lõa bị bắt tại Los Angeles, Bộ Ngân khố Mỹ nêu đích danh trung tâm tập kết tài chính quan trọng nhất của Bắc Hàn, đó là Ngân hàng Banco Delta Asia ở Macao, nơi “chuyên về rửa tiền”, một phần do ngân hàng này được sử dụng để phân phối tiền siêu giả. Lời cáo buộc này chẳng khác gì Mỹ tuyên bố rằng bất kỳ những ai làm ăn với ngân hàng này đều bị coi là những hạng không ra gì. Ông Juan Zarate, viên chức cấp cao đứng đằng sau lời cáo buộc trên của Bộ Ngân khố, cho biết “Banco Delta là quan trọng sống còn đối với chế độ. Việc nêu đích danh hoạt động phạm pháp này đã buộc các tổ chức khác, đặc biệt các tổ chức của Trung Quốc, nhận thức họ có nguy cơ làm hại mối quan hệ thương mại của họ với Mỹ.” (Ông Juan Zarate sau này trở thành phó cố vấn an ninh quốc gia cho Tổng thống Bush.) Nhờ đó đã “làm cho Bắc Hàn mất hết khả năng hoạt động trong thế giới tài chính bình thường, ví dụ như khả năng phát tín dụng thư bằng Đô la để thanh toán cho các giao dịch của họ,” trong đó có sự sắp xếp trả tiền cho các thiết bị cần thiết cho các hỏa tiễn mới.
Uỷ ban đã dự định sẵn nhiều việc sẽ làm. Theo đó, giai đoạn cuối cùng mà ông David Ashler nói rằng Tổng thống Bush đã được báo cáo đầy đủ, là sẽ công bố công khai các cáo trạng tội phạm. “Chúng tôi có thể truy đến tận các tài khoản ngân hàng cá nhân ở nước ngoài của giới lãnh đạo bởi vì chúng tôi có thể chứng minh rằng họ là kẻ đầu sỏ,” ông Asher nói. “Chúng tôi sẽ truy tố các can phạm chóp bu của mạng lưới tội phạm toàn cầu.” “Thế giới muốn có bằng chứng rằng Bắc Hàn là quốc gia tội phạm, chứ không chỉ làm ầm ỷ suôn.” Bà Suzanne Hayden, cựu công tố viên cấp cao ở Bộ Tư pháp, người nắm vai trò tư pháp của bộ trong uỷ ban hành động, khẳng định. “Các vụ truy tố tội phạm đều có bằng chứng. Tất cả các bằng chứng đều nằm trong các bản cáo trạng. Giống như bất kỳ các vụ điều tra rửa tiền khác, chúng tôi sẽ xác định các can phạm chủ chốt rồi từ đó qua họ truy ngược trở lại bắt đầu từ Macao đến những kẻ giấu mặt đằng sau ở Bắc Hàn.” Bà Hayden từng gắn bó với toà án tội phạm quốc tế trong vài năm khi phụ trách vụ nước Nam Tư cũ, truy tố nhà lãnh đạo người Serb, ông Slobodan Milosevich về các hoạt động tội phạm tài chính của ông. Từ kinh nghiệm này, bà thấy những sự tương đồng giữa tội phạm của ông Milosevich với tội phạm của Kim Chính Nhật: “Điều khó khăn nhất là làm sao nối kết các bằng chứng phạm tội với người đứng đầu nhà nước, vì có rất nhiều khả năng chối phăng tiềm tàng. Riêng Bắc Hàn thì rất ít có hoạt động nào mà không có sự chấp thuận của giới lãnh đạo, và những bằng chứng chúng tôi đã có rất thuyết phục. Những vụ án này rất khả thi.” Ông Ashler cho biết các vụ án tội phạm đều dựa vào thông tin từ các nhân viên hoạt động bí mật, từ những người chỉ điểm, và từ hoạt động theo dõi do thám rất lớn. Ông cho biết thêm, ngay từ đầu, vào tháng Sáu năm 2003, xếp của ông, tức cựu Bộ trưởng Ngoại giao Colin Power đã chỉ thị nhân viên “dùng các cơ quan thi hành luật pháp chứ không phải cơ quan tình báo, nhằm chứng minh tuyệt đối rõ ràng những gì họ đang làm,” và ông ta nhấn mạnh thêm “Tôi không muốn trường hợp này giống như trường hợp vũ khí nguyên tử của Iraq” – nghĩa là nói rất nhiều và nói hăng nhưng chẳng có bằng chứng rõ ràng. Kết quả, ông Ashler nói, “chẳng phải chuyện hoàng đế ở truồng. Chúng tôi có băng ghi hình, có âm thanh. Tướng lãnh Bắc Hàn tiếp xúc với tội phạm Trung Quốc, và với các nhân viên Secret Service và FBI.”
Thay vì thế, chính quyền Tổng thống Bush bất ngờ quyết định không đi tiếp. Điều ông Ashler mô tả là “chiến lược ngăn chặn phi chiến tranh tối đa” bất ngờ bị giới hạn lại. Lý do: chính quyền tin rằng nó có nguy cơ khiêu khích Bắc Hàn rút lui vĩnh viễn ra khỏi cuộc đàm phán bàn về chương trình vũ khí và hỏa tiễn của họ. Bà Hayden nói, “Bất ngờ luật chơi thay đổi. Nước cờ ngoại giao bất ngờ xen ngang vào, nguyên tắc phải theo bây giờ là ‘Chúng ta hãy đưa họ đến bàn hội nghị’, và điều đó có nghĩa là mọi thứ phải giảm xuống.”
Thực tế, chương trình theo kế hoạch không những dừng lại mà còn bị đảo ngược. Kim Chính Nhật ra điều kiện phải bãi bỏ trừng phạt nếu Mỹ muốn ông ta tham gia tiếp vào cuộc đàm phán quốc tế; vào tháng Ba năm 2007 chính quyền mở trói ngân hàng Banco Delta Asia, chấm dứt phong tỏa tài sản Bắc Hàn. Các ngân hàng vòng quanh thế giới trước đó đã tránh dây dưa với các công ty Bắc Hàn bây giờ tự do làm ăn trở lại. Những kẻ buôn lậu heroin Bắc Hàn bị bắt trên tàu Phong Su giờ được thả ra và cho phép về nước. Hoạt động bất hợp pháp nhanh chóng trở lại bình thường. Bà Hayden nói, “Hoạt động phạm pháp này sẽ không chấm dứt. Họ sẽ không ngừng làm tiền siêu giả, thuốc lá giả và ma tuý, bởi vì họ đang tuyệt vọng.” Vụ tịch thu tiền siêu giả gần đây nhất, không được truyền thông Mỹ chú ý đến, xảy ra vào tháng Bảy năm 2008, khi bà Trương Mỹ Linh nhận một gói bưu phẩm tưởng đâu là hải sản phơi khô gởi từ Đài Loan đến một nhà mà bà đang thăm viếng ở Sunnyvale thuộc bang Calìornia. Hải quan ở phi trường San Francisco, trong lần khám xét ngẫu nhiên, mở gói bưu phẩm ra, và phát hiện bên trong một lượng tiền siêu giả có trị giá bề mặt 380 ngàn Đô la. Nhân viên Secret Service gài vào một thiết bị theo dõi, rồi niêm phong bưu kiện lại như cũ, và để bà Trương nhận hàng. Khi họ bắt bà, họ biết bà hầu như đã xài hết hàng ngàn Đô la giả mà đưa vào Mỹ tuần trước để mua đồ Louis Vuiton, Footlocker, và ở các tiệm khác. Secret Service tin rằng sự mua sắm có thể là một cách rửa tiền giả. (Mẹo thông thường, theo lời khẳng định của nhân viên đặc biệt cấp cao William P. Bishop, là mua đồ ở các tiệm rồi mang trả lại để lấy tiền thật được hoàn lại.)
Một tuyên bố, lưu hành nội bộ, của văn phòng luật sư công tố đại diện liên bang Mỹ, đề nghị rằng tầm quan trọng của vụ này nên vượt xa một vụ lừa gạt đơn thuần các tiệm bán lẻ ở trong khu mua sắm: “Việc điều tra đến nguồn gốc và sự phân phối (tiền siêu giả) đã và đang là mối ưu tiên hàng đầu đối với Secret Service. Công cuộc điều tra tiền siêu giả là một ca điều tra chiến lược vẫn đang tiếp tục vì nó có ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.” Tuyên bố này ghi nhận thêm rằng cuộc điều tra này “đã trải ra khắp toàn cầu, liên quan đến hơn 130 nước và dẫn đến hơn 200 vụ bắt giữ.” Bà Trương đã nhận tội, và bị kết án 33 tháng tù giam vào ngày 30 tháng Giêng năm 2009.
Trước đây tiền siêu giả đã từng xuất hiện với số lượng lớn ở Trung Đông, tại những nơi như Thung lũng Bekaa ở Lebanon. Ông Syung Je Park nói rằng Cục 39 đang nhắm vào vùng này một lần nữa, một phần vì tiền tệ Mỹ làm giả ít có khả năng bị phát hiện ở bên ngoài nước Mỹ. Theo ông Park, Cục 39 gần đây đã đa dạng hóa hoạt động của họ vào lĩnh vực mới, đó là gian lận bảo hiểm. Năm vừa qua, công ty bảo hiểm nhân thọ của chính phủ Bắc Hàn đã lấy được khoảng 100 triệu Đô la tiền bồi thường từ các công ty châu Âu mà Bắc Hàn đòi cho những người đã có mua bảo hiểm nhân thọ bị thiệt mạng trong các tai nạn trực thăng, phà và xe lửa không liên quan với nhau. Ông Park nói các bảo hiểm nhân thọ này là bịp. Một luật sư ở London, người đã chống lại một trong những trường hợp gian lận này ở toà thượng thẩm Anh, đồng ý: “Đáng tiếc là chúng tôi không thể chứng minh cho tòa vừa lòng. Cuối cùng chúng tôi không còn cách nào khác là phải trả.”
Cùng với những vụ thử hỏa tiễn và vũ khí hạt nhân ở Bắc Hàn vào đầu năm nay, bất kỳ lạc quan nào về việc ông Kim Chính Nhật tạm thời quay trở lại bàn thương thảo đã tan tành mây khói. Tương tự như chiến lược tài chính mà Ủy ban Hành động chống những hoạt động bất hợp pháp đã từng theo đuổi trước đây, chính quyền Obama đã bảo trợ một nghị quyết của Liên Hiệp Quốc mà, bên cạnh việc cho phép lục soát các tàu nào bị nghi ngờ chở vũ khí và các bộ phận liên quan đến Bắc Hàn, cũng sẽ một lần nữa phong toả lại các tài sản cất giữ ở nước ngoài của Bắc Hàn, ngăn cản khả năng làm ăn của chế độ với thế giới bên ngoài. Trong lúc đó, các vụ truy tố các can phạm chủ chốt ở Bắc Hàn vẫn phải xếp lại, và bức tranh đầy đủ hơn các vụ truy tố này có được về Cục 39 cùng với mạng lưới của nó vẫn còn trong vòng bí mật. Điều không thể nghi ngờ là mức độ thử thách mà Tổng thống Obama bây giờ đang đối mặt. Ông Asher kết luận, “Sự thật về Kim Chính Nhật là, y không hẳn là tay chơi tàn bạo hư hỏng như ta thường nghĩ, mà là một tay bố già Mafia rất xảo quyệt. Y biết rõ tất cả các mánh lới trong cẩm nang ngoại giao. Y là tội phạm tầm cỡ thế giới, và là bạo chúa cũng tầm cỡ thế giới.”
Nguồn: Vanity Fair 9/2009
Bản tiếng Việt © 2009 Trần Quốc Việt
Bản tiếng Việt © 2009 talawas blog
22.8.09
4.8.09
CON NGƯỜI ĐÃ QUÊN CHÚA
Aleksandr Solzhenitsyn
Trần Quốc Việt dịch
Talawas: Nhà văn Nga Aleksandr Solzhenitsyn, người đoạt Giải Nobel Văn chương năm 1970, đọc bài diễn văn này ở London ngày 10/5/1983, khi nhận Giải thưởng Templeton. Bài diễn văn này trình bày tư tưởng ngày càng trở nên chủ đạo, bị không ít người coi là bảo thủ, thậm chí bảo căn, và gây nhiều tranh cãi của Solzhenitsyn, đó là tìm căn nguyên của mọi đổ vỡ xã hội trong việc xa rời các giá trị tinh thần và đạo đức của Thiên chúa giáo, đặc biệt của Chính giáo Nga, và coi việc trở về với các giá trị này như lối thoát duy nhất cho nước Nga cộng sản mà ông lên án và cho các xã hội phương Tây mà ông phê phán. Chúng tôi giới thiệu bài diễn văn này với hy vọng độc giả tự đi đến nhận định độc lập của mình.
Thuở còn bé, cách đây hơn nửa thế kỷ, tôi thường nhớ nghe nhiều người có tuổi đưa ra lời giải thích như sau về những tai ương lớn đã giáng xuống nước Nga: con người đã quên Chúa; vì vậy đã xảy ra mọi cơ sự.
Kể từ đó tôi đã dành gần năm mươi năm nghiên cứu về lịch sử Cuộc Cách Mạng của chúng tôi; trong quá trình tìm tòi này tôi đã đọc hàng trăm cuốn sách, sưu tầm được hàng trăm lời chứng thực cá nhân, và đã đóng góp tám cuốn sách của riêng mình vào nỗ lực dọn sạch đi đống đổ nát tang thương để lại sau cơn bể dâu ấy. Nhưng hôm nay nếu có ai yêu cầu tôi trình bày hết sức cô đọng nguyên nhân chính của Cuộc Cách Mạng hoang tàn mà đã nuốt chửng độ sáu mươi triệu dân chúng tôi, tôi không thể nào diễn đạt chính xác hơn là lập lại: con người đã quên Chúa; vì vậy đã xảy ra mọi cơ sự.
Hơn nữa, những sự kiện của cuộc Cách Mạng Nga giờ đây, ở cuối thế kỷ này, chỉ có thể hiểu được dựa theo bối cảnh của những gì từ đó đã diễn ra ở phần còn lại trên thế giới. Điều xuất hiện ở đây là một quá trình có ý nghĩa chung. Và nếu có ai yêu cầu tôi xác định vắn tắt đặc điểm chính của toàn bộ thế kỷ hai mươi, thì ở đây, tôi cũng không thể nào tìm được lời nào rõ ràng hơn và súc tích hơn là lập lại: Con người đã quên Chúa.
Những khiếm khuyết của ý thức con người, do bị tước đi chiều sâu đức tin của mình, đã là nhân tố quyết định trong tất cả các tội ác chính của thế kỷ này. Tội ác đầu tiên là Chiến Tranh Thế Giới lần thứ nhất, và phần nhiều tình cảnh khó khăn hiện nay có thể lần theo tội đầu tiên này. Đó là một cuộc chiến tranh (ký ức về nó dường như đang mờ nhạt) diễn ra khi Châu Âu, đang tràn đầy nhựa sống và thịnh vượng, lại sa vào cơn tự hủy mình mà không thể nào không hút đi sức mạnh của nó trong cả thế kỷ hoặc có thể hơn, và có lẽ vĩnh viễn. Lời giải thích duy nhất khả dĩ có cho cuộc chiến này là sự lu mờ tinh thần trong giới lãnh đạo Châu Âu do họ đã mất đi ý thức về một đấng Tối Cao bên trên họ. Chỉ có sự phẫn nộ vô đạo mới có thể khiến các quốc gia bề ngoài theo Thiên Chúa giáo xử dụng đến hơi độc, một loại vũ khí rất rõ ràng là vượt quá giới hạn của lòng nhân đạo.
Vẫn cùng một khuyết điểm này, khiếm khuyết của một ý thức thiếu tất cả chiều sâu của đức tin, đã biểu lộ rõ sau Chiến Tranh Thế Giới lần thứ hai khi Phương Tây buông mình theo cám dỗ ma quỷ của " chiếc dù hạt nhân" . Điều đó chẳng khác gì nói rằng : Ta hãy vất đi các lo âu, ta hãy giải phóng các thế hệ trẻ hơn khỏi ràng buộc của bổn phận và trách nhiệm, ta hãy thôi có gắng bảo vệ chính mình, chứ đừng nói gì đến bảo vệ những kẻ khác - ta hãy bịt tai trước bao rên rỉ từ Phương Đông vọng đến, và thay vào đó ta hãy sống để theo đuổi hạnh phúc. Nếu nguy hiểm có đe dọa mình chăng nữa, ta sẽ được bom hạt nhân bảo vệ; rồi nếu chẳng may thế gian có tiêu tan trong biển lửa địa ngục ta cũng chẳng màng đến. Tình trạng bất lực đáng thương trên mà Phương Tây đương thời đang rơi vào phần lớn là do sai lầm chết người này: niềm tin rằng bảo vệ hoà bình không phụ thuộc vào những tấm lòng can đảm và những con người kiên định, mà chủ yếu phụ thuộc vào bom hạt nhân...
Thế giới ngày nay đang đi đến một giai đoạn, mà nếu ta tả ra cho người của các thế kỷ trước biết, họ chắc sẽ than :" Như vậy là Tận Thế!"
Tuy nhiên chúng ta đã quen với thế giới như thế; thậm chí chúng ta còn thoải mái sống trong đó.
Dostoevsky đã báo trước rằng " những sự kiện lớn bất ngờ xảy đến với chúng ta khiến ta không chuẩn bị trước về mặt trí thức." Đây chính là những gì đang xảy ra . Ông tiên đoán rằng " thế giới có thể được cứu rỗi chỉ sau khi nó đã bị quỷ của cái ác ám." Chuyện thế giới có thật sự được cứu rỗi hay không chúng ta còn phải chờ xem: điều này nhất định còn phụ thuộc vào lương tâm, vào sự toả sáng tinh thần, vào những nỗ lực cá nhân và tập thể của chúng ta khi đối mặt với cảnh thảm họa . Nhưng chuyện đã rồi là quỷ của cái ác, giống như cơn cuồng phong, hiện đang vần vũ ngạo nghễ trên khắp năm châu của thế giới.
Trong quá khứ của mình, nước Nga đã thật sự biết đến một thời kỳ khi lý tưởng xã hội không phải là tiếng tăm, của cải, hay thành đạt vật chất, mà là nếp sống ngoan đạo. Thời đó nước Nga thấm đẫm tinh thần Thiên Chúa Chính Thống vốn vẫn còn trung thành với Giáo Hội của những thế kỷ đầu tiên. Chính Thống lúc đó biết bảo vệ dân tộc mình dưới ách ngoại xăm kéo dài hơn hai thế kỷ, đồng thời cũng chống đỡ lại những nhát gươm tàn bạo từ những thanh kiếm trên tay của những kẻ thâp tự chinh Phương Tây. Trong suốt bao thế kỷ này đức tin Chính Thống đã trở thành một phần nếp suy nghĩ và tính cách của dân tộc chúng tôi, thành lề thói trong cuộc sống hằng ngày, thành lịch công việc, thành những ưu tiên hơn trong mọi việc đời thường, thành sự xắp xếp lịch cho tuần và cho năm. Đức tin đã là lực thống nhất và định hình của quốc gia.
Nhưng vào thế kỷ thứ 17 Chính Thống Nga suy yếu nghiêm trọng do một sự ly giáo trong nội bộ. Đến thế kỷ thứ 18, đất nước lại rung chuyển dưới một loạt cải cách do vua Peter áp đặt bằng vũ lực. Những cải cách trọng về kinh tế, nhà nước, và quân đội nhưng lại hy sinh tinh thần tôn giáo và sinh mạng dân tộc. Cùng với sự khai sáng thiếu cân bằng này, nước Nga đã cảm nhận làn hơi thế tục mà chất độc tinh tế của nó ngấm dần vào tầng lớp có học ở thế kỷ thứ 19 rồi mở đường đến chủ nghĩa Marx. Vào thời điểm của cuộc Cách Mạng, đức tin đã hầu như biến mất trong giới có học ở Nga; còn trong giới thất học sức sống của đức tin đang lâm nguy.
Chính Dostoevsky, lại một lần nữa, rút ra bài học từ cuộc Cách Mạng Pháp và từ mối ác cảm của cuộc cách mạng này đối với Nhà Thờ là " cách mạng phải nhất thiết bắt đầu bằng chủ nghĩa vô thần." Điều đó tuyệt đối đúng.Nhưng trước đây thế giới chưa bao giờ từng biết đến một sự vô đạo nào mà có tổ chức, có quân phiệt hoá, và ác dai dẳng cho bằng sự vô đạo mà chủ nghĩa Mác áp dụng. Trong lòng hệ thống triết học của Marx và Lenin, và ở trong cốt lõi tâm lý của họ, ác cảm với Chúa là động lực chính, còn cơ bản hơn tất cả các tuyên bố sai lầm của họ về kinh tế và chính trị. Chủ nghĩa vô thần hung hăng không hẳn là ngẫu nhiên hay là bên lề chính sách Cộng Sản; nó không phải là một phản ứng phụ, mà là trọng tâm chính.
Vào những năm 1920 ở Liên Xô đã chứng kiến cuộc diễu hành vô tận của những nạn nhân và người tử vì đạo trong giới tu sĩ Chính Thống giáo. Hai người đứng đầu giáo phận tỉnh bị hành quyết, trong đó có ông Veniamin thuộc giáo phận Petrograd, được giáo dân trong giáo phận bầu lên. Chính bản thân đức tổng giám mục Tikhon của Mạc Tư Khoa và Toàn Nga đã trãi qua nhiều tay công an và mật vụ và rồi qua đời trong hoàn cảnh đáng ngờ. Hàng chục vị tổng giám mục và giám mục đã bỏ mạng. Hàng chục ngàn linh mục, thầy dòng, và nữ tu, bị công an ép phải chối bỏ Lời Chúa, bị tra tấn, bị hành quyết ở duới các tầng hầm, bị tống vào các trại tù, bị đày đến các thảo nguyên hoang vu miền cực bắc, hay lúc tuổi già sập đến thì bị đẩy ra lề đường trong cảnh đói khát và không nơi nương tựa. Tất cả những người tử đạo Thiên Chúa này, vì lòng tin, đã đi thẳng đến cái chết; các trường hợp chối bỏ đạo ít phổ biến. Riêng đối với hàng chục triệu giáo dân con đường đến với Giáo Hội bị ngăn chặn, và họ bị cấm dạy dỗ đạo cho con: các bậc cha mẹ ngoan đạo bị chia lìa với con cái và bị tống vào tù, còn con họ, do bị đe dọa và bị tuyên truyền dối trá, đã xa rời lòng tin...
Trong một giai đoạn ngắn, khi cần tập hợp sức mạnh cho cuộc đấu tranh chống Hitler, Stalin đã dè dặt chọn một thái độ thân thiện với Giáo Hội. Trò gian lận này, trong những năm về sau, được Brezhnev lập lại nhờ vào các ấn phẩm trưng bày và các hình thức giả dối bề ngoài khác; không may lại khiến Phương Tây lầm tưởng mà tin vào giá trị bề mặt của nó. Tuy nhiên sự căm ghét tôn giáo không nguôi, vốn có sẵn trong gốc rễ của chủ nghĩa cộng sản, có thể được phán xét qua trường hợp của Krushchev, người lãnh đạo cấp tiến nhất của họ: dù ông ta có thực hiện một số bước có ý nghĩa để mở rộng tự do, nhưng ông cũng đồng thời làm sống lại trong lòng người cộng sản theo chủ nghĩa Lenin nỗi ám ảnh cuồng nhiệt phải tiêu diệt tôn giáo.
Nhưng có điều họ đã không ngờ: rằng ở nơi nhà thờ đã bị san bằng, nơi chủ nghĩa vô thần đang mặc sức lấn lướt trong hai phần ba thế kỷ, nơi giới tu sĩ hoàn toàn bị khinh rẻ và mất đi tất cả sự độc lập, nơi những gì còn sót lại của Giáo Hội ,như một thể chế, hiện đang được chấp nhận chỉ cho mục đich tuyên truyền nhắm vào Phương Tây, nơi đến tận hôm nay vẫn có người bị lưu đày đến các trại lao động vì lòng tin của mình, và nơi, mà ngay cả bên trong các trại này, những ai tụ họp lại để cầu nguyện vào dịp lễ Phục Sinh, đều bị tát tai trong những xà lim kỷ luật_họ không thể tưởng rằng ở dưới cỗ xe ủi Cộng Sản này truyền thống Thiên Chúa ở Nga vẫn sống sót. Đành rằng có hàng triệu đồng bào chúng tôi đã bị sa đọa và suy sụp về đức tin, tuy nhiên vẫn còn có hàng triệu tín hữu khác: chính chỉ do áp lực bên ngoài khiến họ không dám bày tỏ công khai chính kiến của mình, nhưng cũng đúng như trong thời truy bức và khổ nạn, ý thức về Chúa ở nước tôi đã đạt đến mức độ tinh tế hơn và sâu sắc hơn nhiều.
Chính ở đây chúng ta nhìn thấy bình minh của hy vọng: vì cho dù chủ nghĩa cộng sản có dàn trải tua tủa đáng sợ ra bao xe tăng và hỏa tiễn, cho dù nó có đạt đến thắng lợi nào trong việc cướp được hành tinh này, nó nhất định không bao giờ khuất phục được Thiên Chúa giáo.
Phương Tây chưa kinh qua một cuộc xăm lăng cộng sản; tôn giáo ở đây vẫn còn tự do. Nhưng sự tiến hoá lịch sử của chính Phương Tây là sự tiến hoá để rồi hôm nay nó cũng đang trải qua một sự khô cạn về ý thức tôn giáo. Phương Tây cũng chứng kiến những sự ly giáo đau đớn, những cuộc chiến tranh tôn giáo đẫm máu, và hận thù, chưa nhắc đến cơn lũ thế tục mà, từ thời trung cổ trở đi, đã từ từ tràn ngập Phương Tây. Đối với lòng tin sự suy kiệt dần sức mạnh bên trong là một mối đe dọa thậm chí còn nguy hiểm hơn bất kỳ toan tính tấn công dữ dội nào từ bên ngoài.
Trải qua hàng chục năm xói mòn dần dần trong âm thầm lặng lẽ, giờ đây ý nghĩa cuộc sống ở Phương Tây không còn gì cao quý hơn là "mưu cầu hạnh phúc", một mục tiêu thậm chí được bảo đảm trân trọng trong các hiến pháp. Bao khái niệm về Thiện và Ác đã bị chế diễu suốt trong vài thế kỷ; do bị tách rời khỏi cách dùng thông thường, các khái niệm này đã bị thay thế bằng những nhân tố vốn yểu mệnh về giá trị như chính trị và giai cấp. Ta thấy ngượng ngập khi nói rằng cái Ác ngự ở trong lòng cá nhân trước khi nó bước vào hệ thống chính trị. Tuy nhiên ta chẳng xem là xấu hổ khi có những nhượng bộ hời hợt trước một cái Ác hoàn toàn. Xét theo vô số nhượng bộ tuôn trào ra không ngớt như đất lở ngay trước mắt của chính thế hệ chúng ta, Phương Tây tất yếu đang trôi tuột dần đến vực thẳm. Xã hội Phương Tây ngày càng mất đi càng nhiều cốt lõi tôn giáo của họ khi họ vô tư buông xuôi thế hệ trẻ hơn của mình cho chủ nghĩa vô thần. Nếu một cuốn phim báng bổ về chúa Jesus được chiếu rộng rãi khắp nước Mỹ, đáng ngờ là một trong những nước sùng đạo nhất thế giới hay một tờ báo chính đăng một biếm họa trơ trẽn về Đức Mẹ Đồng Trinh, ta còn cần gì thêm nữa bằng chứng về sự vô đạo? Khi những quyền bên ngoài hoàn toàn không bị giới hạn, tại sao ta nên cố gắng trong lòng để tránh làm những điều xấu xa?
Hay tại sao ta nên kìm nén hận thù nung nấu trong lòng, dù cở sở của nó có là chủng tộc, giai cấp hay ý thức hệ đi chăng nữa? Lòng hận thù như thế trong thực tế đang làm xói mòn bao tấm lòng ngày hôm nay. Những người thầy vô thần ở Phương Tây đang dạy dỗ thế hệ trẻ hơn theo tinh thần hận thù đối với chính xã hội của họ. Trong cái ồn ào của bao lời lẽ kết án đó chúng ta quên rằng các khiếm khuyết của chủ nghĩa tư bản thể hiện các khiếm khuyết cơ bản trong bản chất con người, cho phép tự do không giới hạn cùng với nhiều nhân quyền; song chúng ta quên rằng dưới chủ nghĩa cộng sản (và chủ nghĩa cộng sản thấp thoáng ngay đằng sau tất cả các hình thức trung dung của chủ nghĩa xã hội, mà không ổn định) vẫn các khiếm khuyết giống hệt như vậy nhưng lại đầy rẫy ở bất kỳ những ai có chút tí ti quyền lực; mặc dù mọi người khác dưới chế độ đó thật sự đang đạt đến sự "bình đẳng"-bình đẳng của những nô lệ bần hàn. Sự thổi bùng lên náo nức ngọn lửa hận thù này đang trở thành dấu ấn của thế giới tự do hôm nay. Sự thật là các tự do cá nhân càng mở rộng hơn, mức độ thịnh vượng hay thậm chí giàu có càng cao hơn, thì nghịch lý thay lòng hận thù mù quáng này càng sâu sắc hơn. Như vậy qua tấm gương của chính mình, Phương Tây, ở giai đoạn đã phát triễn hiện nay, minh chứng rằng sự cứu rỗi của con người không thể nào tìm thấy ở sự dư thừa về của cải vật chất hay ở chỉ sự kiếm tiền đơn thuần.
Sự thù hận được nuôi dưỡng cố ý này rồi lan đến tất cả những gì hiện hữu, đến chính cuộc sống, đến thế giới muôn màu, muôn vẻ, và muôn thanh, đến cả thân xác con người. Nghệ thuật chua chát trong thế kỷ hai mươi đang lụi tàn do cái hận thù xấu xí này, vì nghệ thuật là vô ích nếu không có tình yêu. Tại Phương Đông nghệ thuật đã sụp đổ vì nó đã bị đánh gục và bị dẫm đạp lên, nhưng tại Phương Tây sự sa ngã này có tính chất tự nguyện, một sự suy tàn vào một cuộc tìm tòi cầu kỳ và hợm hĩnh nơi người nghệ sĩ, thay vì cố gắng hé lộ ra thiên cơ, lại cố đặt mình vào địa vị của Chúa.
Ở đây lần nữa chúng ta chứng kiến một kết cục duy nhất của một quá trình diễn ra trên khắp thế giới, với Phương Đông và Phương Tây tạo ra cùng kết quả, và một lần nữa cho cùng một lý do: con người đã quên Chúa.
Với những sự kiện toàn cầu trên lờ mờ hiện ra trước mặt chúng ta sừng sững như núi, không, như toàn bộ cả dãy núi, có thể dường như lạc lõng và không thích hợp khi ta nhớ lại rằng lời giải chính cho sự tồn tại và phi tồn tại của chúng ta nằm ở trong lòng mỗi cá nhân con người, nằm ở sự chọn lựa trong từng tấm lòng đó điều thiện và điều ác cụ thể. Tuy nhiên lời giải này đến cả hôm nay vẫn còn đúng, và thật sự là lời giải đáng tin tưởng nhất chung ta có. Các lý thuyết xã hội đã hứa hẹn rất nhiều giờ chứng tỏ là phá sản, khiến chúng ta rơi vào ngõ cụt. Người ta có thể mong đợi hợp lý rằng người dân tự do Phương Tây nhận thức họ đang bị vây quanh bởi vô số những giả dối vốn được nuôi dưỡng một cách tự do, và sẽ không cho phép những lời dối trá áp đặt gian lận quá dễ dàng lên họ. Tất cả các cố gắng để tìm lối thoát ra khỏi hoàn cảnh không may của thế giới hôm nay đều vô ích trừ phi chúng ta,trong sám hối, chuyển hướng ý thức của chúng ta đến Đấng Sáng Tạo ra vũ trụ: nếu không có điều này, sẽ không có ánh sáng nào soi rọi lối ra, và chúng ta sẽ tìm kiếm trong vô vọng. Tài sản chúng ta đã để riêng ra cho chính mình thật quá khiêm nhường cho nhiệm vụ gian nan này. Trước tiên chúng ta phải thừa nhận nỗi kinh hoàng ấy gây ra không phải do lực bên ngoài nào đó, không phải do kẻ thù dân tộc hay giai cấp, mà do trong từng mỗi cá nhân chúng ta, và trong mỗi xã hội. Điều này đặc biệt đúng với một xã hội tự do và đã phát triễn cao, vì đặc biệt ở đây chúng ta chắc chắn đã tạo ra mọi thứ cho mình, đúng với sự chọn lựa tự do của chính mình. Chính chúng ta, trong sự ích kỷ vô tâm hàng ngày của mình, đã vô tình xiết chặt thêm cái thòng lọng đó ...
Cuộc đời chúng ta không gói ghém trong mưu cầu thành đạt về vật chất mà trong nỗ lực tìm kiếm sự phát triễn tinh thần xứng đáng. Toàn bộ kiếp người của chúng ta trên trần thế này chỉ là một giai đoạn quá độ trong sự vận động hướng tới điều gì đó cao hơn, và chúng ta không được chao đảo vấp ngã, chúng ta cũng không được nán lại vô ích trên một nấc thang nào của chiếc thang này. Chỉ riêng quy luật về vật chất không giải thích được hay định hướng được cuộc đời chúng ta. Quy luật về vật lý và sinh lý nhất định không bao giờ hé lộ bằng cách chắc chắn nào mà Đấng Tạo Hoa đều đặn, hết ngày này đến ngày khác, tham dự vào cuộc đời của mỗi người trong chúng ta, luôn luôn ban cho chúng ta năng lượng của sự tồn tại; khi sự giúp đỡ này rời bỏ chúng ta, chúng ta chết. Và trong cuộc sống của toàn thể hành tinh của chúng ta, Thánh Linh chắc chắn tác động cũng không kém phần mạnh mẽ hơn: điều này chúng ta phải thấu hiểu trong thời khắc tăm tối và khiếp sợ của mình.
Đối với bao hy vọng hão huyền trong hai thế kỷ vừa qua, những hy vọng mà đã thu rút chúng ta lại xuống thành vô nghĩa và đưa chúng ta tới gần cái chết hạt nhân và phi hạt nhân, chúng ta có thể chỉ đề nghị một sự tìm kiếm bền lòng bàn tay ấm áp của Chúa, mà chúng ta đã chối bỏ một cách quá vội vàng và quá tự tin. Chỉ có như thế mắt chúng ta mới nhìn thấy được các sai lầm trong thế kỷ hai mươi bất hạnh này và chúng ta hãy liên kết lại để chấn chỉnh lại những sai lầm này. Ngoài ra chẳng còn gì khác hơn để cho ta bám vào trong cơn đất lở này: tư tưởng kết hợp lại của tất cả các triết gia Khai Sáng chẳng là gì hết.
Năm châu chúng ta đang ở giữa trận cuồng phong. Nhưng chính qua các thử thách như thế mới thể hiện tính cách cao quý nhất của con người. Nếu chúng ta lụi tàn và thua cuộc trong thế giới này, lỗi ấy hoàn toàn thuộc về chúng ta.
Dịch từ bản tiếng Anh của A. Klimof năm 1983
Bản tiếng Việt © 2009 Trần Quốc Việt
Bản tiếng Việt © 2009 talawas blog
Trần Quốc Việt dịch
Talawas: Nhà văn Nga Aleksandr Solzhenitsyn, người đoạt Giải Nobel Văn chương năm 1970, đọc bài diễn văn này ở London ngày 10/5/1983, khi nhận Giải thưởng Templeton. Bài diễn văn này trình bày tư tưởng ngày càng trở nên chủ đạo, bị không ít người coi là bảo thủ, thậm chí bảo căn, và gây nhiều tranh cãi của Solzhenitsyn, đó là tìm căn nguyên của mọi đổ vỡ xã hội trong việc xa rời các giá trị tinh thần và đạo đức của Thiên chúa giáo, đặc biệt của Chính giáo Nga, và coi việc trở về với các giá trị này như lối thoát duy nhất cho nước Nga cộng sản mà ông lên án và cho các xã hội phương Tây mà ông phê phán. Chúng tôi giới thiệu bài diễn văn này với hy vọng độc giả tự đi đến nhận định độc lập của mình.
Thuở còn bé, cách đây hơn nửa thế kỷ, tôi thường nhớ nghe nhiều người có tuổi đưa ra lời giải thích như sau về những tai ương lớn đã giáng xuống nước Nga: con người đã quên Chúa; vì vậy đã xảy ra mọi cơ sự.
Kể từ đó tôi đã dành gần năm mươi năm nghiên cứu về lịch sử Cuộc Cách Mạng của chúng tôi; trong quá trình tìm tòi này tôi đã đọc hàng trăm cuốn sách, sưu tầm được hàng trăm lời chứng thực cá nhân, và đã đóng góp tám cuốn sách của riêng mình vào nỗ lực dọn sạch đi đống đổ nát tang thương để lại sau cơn bể dâu ấy. Nhưng hôm nay nếu có ai yêu cầu tôi trình bày hết sức cô đọng nguyên nhân chính của Cuộc Cách Mạng hoang tàn mà đã nuốt chửng độ sáu mươi triệu dân chúng tôi, tôi không thể nào diễn đạt chính xác hơn là lập lại: con người đã quên Chúa; vì vậy đã xảy ra mọi cơ sự.
Hơn nữa, những sự kiện của cuộc Cách Mạng Nga giờ đây, ở cuối thế kỷ này, chỉ có thể hiểu được dựa theo bối cảnh của những gì từ đó đã diễn ra ở phần còn lại trên thế giới. Điều xuất hiện ở đây là một quá trình có ý nghĩa chung. Và nếu có ai yêu cầu tôi xác định vắn tắt đặc điểm chính của toàn bộ thế kỷ hai mươi, thì ở đây, tôi cũng không thể nào tìm được lời nào rõ ràng hơn và súc tích hơn là lập lại: Con người đã quên Chúa.
Những khiếm khuyết của ý thức con người, do bị tước đi chiều sâu đức tin của mình, đã là nhân tố quyết định trong tất cả các tội ác chính của thế kỷ này. Tội ác đầu tiên là Chiến Tranh Thế Giới lần thứ nhất, và phần nhiều tình cảnh khó khăn hiện nay có thể lần theo tội đầu tiên này. Đó là một cuộc chiến tranh (ký ức về nó dường như đang mờ nhạt) diễn ra khi Châu Âu, đang tràn đầy nhựa sống và thịnh vượng, lại sa vào cơn tự hủy mình mà không thể nào không hút đi sức mạnh của nó trong cả thế kỷ hoặc có thể hơn, và có lẽ vĩnh viễn. Lời giải thích duy nhất khả dĩ có cho cuộc chiến này là sự lu mờ tinh thần trong giới lãnh đạo Châu Âu do họ đã mất đi ý thức về một đấng Tối Cao bên trên họ. Chỉ có sự phẫn nộ vô đạo mới có thể khiến các quốc gia bề ngoài theo Thiên Chúa giáo xử dụng đến hơi độc, một loại vũ khí rất rõ ràng là vượt quá giới hạn của lòng nhân đạo.
Vẫn cùng một khuyết điểm này, khiếm khuyết của một ý thức thiếu tất cả chiều sâu của đức tin, đã biểu lộ rõ sau Chiến Tranh Thế Giới lần thứ hai khi Phương Tây buông mình theo cám dỗ ma quỷ của " chiếc dù hạt nhân" . Điều đó chẳng khác gì nói rằng : Ta hãy vất đi các lo âu, ta hãy giải phóng các thế hệ trẻ hơn khỏi ràng buộc của bổn phận và trách nhiệm, ta hãy thôi có gắng bảo vệ chính mình, chứ đừng nói gì đến bảo vệ những kẻ khác - ta hãy bịt tai trước bao rên rỉ từ Phương Đông vọng đến, và thay vào đó ta hãy sống để theo đuổi hạnh phúc. Nếu nguy hiểm có đe dọa mình chăng nữa, ta sẽ được bom hạt nhân bảo vệ; rồi nếu chẳng may thế gian có tiêu tan trong biển lửa địa ngục ta cũng chẳng màng đến. Tình trạng bất lực đáng thương trên mà Phương Tây đương thời đang rơi vào phần lớn là do sai lầm chết người này: niềm tin rằng bảo vệ hoà bình không phụ thuộc vào những tấm lòng can đảm và những con người kiên định, mà chủ yếu phụ thuộc vào bom hạt nhân...
Thế giới ngày nay đang đi đến một giai đoạn, mà nếu ta tả ra cho người của các thế kỷ trước biết, họ chắc sẽ than :" Như vậy là Tận Thế!"
Tuy nhiên chúng ta đã quen với thế giới như thế; thậm chí chúng ta còn thoải mái sống trong đó.
Dostoevsky đã báo trước rằng " những sự kiện lớn bất ngờ xảy đến với chúng ta khiến ta không chuẩn bị trước về mặt trí thức." Đây chính là những gì đang xảy ra . Ông tiên đoán rằng " thế giới có thể được cứu rỗi chỉ sau khi nó đã bị quỷ của cái ác ám." Chuyện thế giới có thật sự được cứu rỗi hay không chúng ta còn phải chờ xem: điều này nhất định còn phụ thuộc vào lương tâm, vào sự toả sáng tinh thần, vào những nỗ lực cá nhân và tập thể của chúng ta khi đối mặt với cảnh thảm họa . Nhưng chuyện đã rồi là quỷ của cái ác, giống như cơn cuồng phong, hiện đang vần vũ ngạo nghễ trên khắp năm châu của thế giới.
Trong quá khứ của mình, nước Nga đã thật sự biết đến một thời kỳ khi lý tưởng xã hội không phải là tiếng tăm, của cải, hay thành đạt vật chất, mà là nếp sống ngoan đạo. Thời đó nước Nga thấm đẫm tinh thần Thiên Chúa Chính Thống vốn vẫn còn trung thành với Giáo Hội của những thế kỷ đầu tiên. Chính Thống lúc đó biết bảo vệ dân tộc mình dưới ách ngoại xăm kéo dài hơn hai thế kỷ, đồng thời cũng chống đỡ lại những nhát gươm tàn bạo từ những thanh kiếm trên tay của những kẻ thâp tự chinh Phương Tây. Trong suốt bao thế kỷ này đức tin Chính Thống đã trở thành một phần nếp suy nghĩ và tính cách của dân tộc chúng tôi, thành lề thói trong cuộc sống hằng ngày, thành lịch công việc, thành những ưu tiên hơn trong mọi việc đời thường, thành sự xắp xếp lịch cho tuần và cho năm. Đức tin đã là lực thống nhất và định hình của quốc gia.
Nhưng vào thế kỷ thứ 17 Chính Thống Nga suy yếu nghiêm trọng do một sự ly giáo trong nội bộ. Đến thế kỷ thứ 18, đất nước lại rung chuyển dưới một loạt cải cách do vua Peter áp đặt bằng vũ lực. Những cải cách trọng về kinh tế, nhà nước, và quân đội nhưng lại hy sinh tinh thần tôn giáo và sinh mạng dân tộc. Cùng với sự khai sáng thiếu cân bằng này, nước Nga đã cảm nhận làn hơi thế tục mà chất độc tinh tế của nó ngấm dần vào tầng lớp có học ở thế kỷ thứ 19 rồi mở đường đến chủ nghĩa Marx. Vào thời điểm của cuộc Cách Mạng, đức tin đã hầu như biến mất trong giới có học ở Nga; còn trong giới thất học sức sống của đức tin đang lâm nguy.
Chính Dostoevsky, lại một lần nữa, rút ra bài học từ cuộc Cách Mạng Pháp và từ mối ác cảm của cuộc cách mạng này đối với Nhà Thờ là " cách mạng phải nhất thiết bắt đầu bằng chủ nghĩa vô thần." Điều đó tuyệt đối đúng.Nhưng trước đây thế giới chưa bao giờ từng biết đến một sự vô đạo nào mà có tổ chức, có quân phiệt hoá, và ác dai dẳng cho bằng sự vô đạo mà chủ nghĩa Mác áp dụng. Trong lòng hệ thống triết học của Marx và Lenin, và ở trong cốt lõi tâm lý của họ, ác cảm với Chúa là động lực chính, còn cơ bản hơn tất cả các tuyên bố sai lầm của họ về kinh tế và chính trị. Chủ nghĩa vô thần hung hăng không hẳn là ngẫu nhiên hay là bên lề chính sách Cộng Sản; nó không phải là một phản ứng phụ, mà là trọng tâm chính.
Vào những năm 1920 ở Liên Xô đã chứng kiến cuộc diễu hành vô tận của những nạn nhân và người tử vì đạo trong giới tu sĩ Chính Thống giáo. Hai người đứng đầu giáo phận tỉnh bị hành quyết, trong đó có ông Veniamin thuộc giáo phận Petrograd, được giáo dân trong giáo phận bầu lên. Chính bản thân đức tổng giám mục Tikhon của Mạc Tư Khoa và Toàn Nga đã trãi qua nhiều tay công an và mật vụ và rồi qua đời trong hoàn cảnh đáng ngờ. Hàng chục vị tổng giám mục và giám mục đã bỏ mạng. Hàng chục ngàn linh mục, thầy dòng, và nữ tu, bị công an ép phải chối bỏ Lời Chúa, bị tra tấn, bị hành quyết ở duới các tầng hầm, bị tống vào các trại tù, bị đày đến các thảo nguyên hoang vu miền cực bắc, hay lúc tuổi già sập đến thì bị đẩy ra lề đường trong cảnh đói khát và không nơi nương tựa. Tất cả những người tử đạo Thiên Chúa này, vì lòng tin, đã đi thẳng đến cái chết; các trường hợp chối bỏ đạo ít phổ biến. Riêng đối với hàng chục triệu giáo dân con đường đến với Giáo Hội bị ngăn chặn, và họ bị cấm dạy dỗ đạo cho con: các bậc cha mẹ ngoan đạo bị chia lìa với con cái và bị tống vào tù, còn con họ, do bị đe dọa và bị tuyên truyền dối trá, đã xa rời lòng tin...
Trong một giai đoạn ngắn, khi cần tập hợp sức mạnh cho cuộc đấu tranh chống Hitler, Stalin đã dè dặt chọn một thái độ thân thiện với Giáo Hội. Trò gian lận này, trong những năm về sau, được Brezhnev lập lại nhờ vào các ấn phẩm trưng bày và các hình thức giả dối bề ngoài khác; không may lại khiến Phương Tây lầm tưởng mà tin vào giá trị bề mặt của nó. Tuy nhiên sự căm ghét tôn giáo không nguôi, vốn có sẵn trong gốc rễ của chủ nghĩa cộng sản, có thể được phán xét qua trường hợp của Krushchev, người lãnh đạo cấp tiến nhất của họ: dù ông ta có thực hiện một số bước có ý nghĩa để mở rộng tự do, nhưng ông cũng đồng thời làm sống lại trong lòng người cộng sản theo chủ nghĩa Lenin nỗi ám ảnh cuồng nhiệt phải tiêu diệt tôn giáo.
Nhưng có điều họ đã không ngờ: rằng ở nơi nhà thờ đã bị san bằng, nơi chủ nghĩa vô thần đang mặc sức lấn lướt trong hai phần ba thế kỷ, nơi giới tu sĩ hoàn toàn bị khinh rẻ và mất đi tất cả sự độc lập, nơi những gì còn sót lại của Giáo Hội ,như một thể chế, hiện đang được chấp nhận chỉ cho mục đich tuyên truyền nhắm vào Phương Tây, nơi đến tận hôm nay vẫn có người bị lưu đày đến các trại lao động vì lòng tin của mình, và nơi, mà ngay cả bên trong các trại này, những ai tụ họp lại để cầu nguyện vào dịp lễ Phục Sinh, đều bị tát tai trong những xà lim kỷ luật_họ không thể tưởng rằng ở dưới cỗ xe ủi Cộng Sản này truyền thống Thiên Chúa ở Nga vẫn sống sót. Đành rằng có hàng triệu đồng bào chúng tôi đã bị sa đọa và suy sụp về đức tin, tuy nhiên vẫn còn có hàng triệu tín hữu khác: chính chỉ do áp lực bên ngoài khiến họ không dám bày tỏ công khai chính kiến của mình, nhưng cũng đúng như trong thời truy bức và khổ nạn, ý thức về Chúa ở nước tôi đã đạt đến mức độ tinh tế hơn và sâu sắc hơn nhiều.
Chính ở đây chúng ta nhìn thấy bình minh của hy vọng: vì cho dù chủ nghĩa cộng sản có dàn trải tua tủa đáng sợ ra bao xe tăng và hỏa tiễn, cho dù nó có đạt đến thắng lợi nào trong việc cướp được hành tinh này, nó nhất định không bao giờ khuất phục được Thiên Chúa giáo.
Phương Tây chưa kinh qua một cuộc xăm lăng cộng sản; tôn giáo ở đây vẫn còn tự do. Nhưng sự tiến hoá lịch sử của chính Phương Tây là sự tiến hoá để rồi hôm nay nó cũng đang trải qua một sự khô cạn về ý thức tôn giáo. Phương Tây cũng chứng kiến những sự ly giáo đau đớn, những cuộc chiến tranh tôn giáo đẫm máu, và hận thù, chưa nhắc đến cơn lũ thế tục mà, từ thời trung cổ trở đi, đã từ từ tràn ngập Phương Tây. Đối với lòng tin sự suy kiệt dần sức mạnh bên trong là một mối đe dọa thậm chí còn nguy hiểm hơn bất kỳ toan tính tấn công dữ dội nào từ bên ngoài.
Trải qua hàng chục năm xói mòn dần dần trong âm thầm lặng lẽ, giờ đây ý nghĩa cuộc sống ở Phương Tây không còn gì cao quý hơn là "mưu cầu hạnh phúc", một mục tiêu thậm chí được bảo đảm trân trọng trong các hiến pháp. Bao khái niệm về Thiện và Ác đã bị chế diễu suốt trong vài thế kỷ; do bị tách rời khỏi cách dùng thông thường, các khái niệm này đã bị thay thế bằng những nhân tố vốn yểu mệnh về giá trị như chính trị và giai cấp. Ta thấy ngượng ngập khi nói rằng cái Ác ngự ở trong lòng cá nhân trước khi nó bước vào hệ thống chính trị. Tuy nhiên ta chẳng xem là xấu hổ khi có những nhượng bộ hời hợt trước một cái Ác hoàn toàn. Xét theo vô số nhượng bộ tuôn trào ra không ngớt như đất lở ngay trước mắt của chính thế hệ chúng ta, Phương Tây tất yếu đang trôi tuột dần đến vực thẳm. Xã hội Phương Tây ngày càng mất đi càng nhiều cốt lõi tôn giáo của họ khi họ vô tư buông xuôi thế hệ trẻ hơn của mình cho chủ nghĩa vô thần. Nếu một cuốn phim báng bổ về chúa Jesus được chiếu rộng rãi khắp nước Mỹ, đáng ngờ là một trong những nước sùng đạo nhất thế giới hay một tờ báo chính đăng một biếm họa trơ trẽn về Đức Mẹ Đồng Trinh, ta còn cần gì thêm nữa bằng chứng về sự vô đạo? Khi những quyền bên ngoài hoàn toàn không bị giới hạn, tại sao ta nên cố gắng trong lòng để tránh làm những điều xấu xa?
Hay tại sao ta nên kìm nén hận thù nung nấu trong lòng, dù cở sở của nó có là chủng tộc, giai cấp hay ý thức hệ đi chăng nữa? Lòng hận thù như thế trong thực tế đang làm xói mòn bao tấm lòng ngày hôm nay. Những người thầy vô thần ở Phương Tây đang dạy dỗ thế hệ trẻ hơn theo tinh thần hận thù đối với chính xã hội của họ. Trong cái ồn ào của bao lời lẽ kết án đó chúng ta quên rằng các khiếm khuyết của chủ nghĩa tư bản thể hiện các khiếm khuyết cơ bản trong bản chất con người, cho phép tự do không giới hạn cùng với nhiều nhân quyền; song chúng ta quên rằng dưới chủ nghĩa cộng sản (và chủ nghĩa cộng sản thấp thoáng ngay đằng sau tất cả các hình thức trung dung của chủ nghĩa xã hội, mà không ổn định) vẫn các khiếm khuyết giống hệt như vậy nhưng lại đầy rẫy ở bất kỳ những ai có chút tí ti quyền lực; mặc dù mọi người khác dưới chế độ đó thật sự đang đạt đến sự "bình đẳng"-bình đẳng của những nô lệ bần hàn. Sự thổi bùng lên náo nức ngọn lửa hận thù này đang trở thành dấu ấn của thế giới tự do hôm nay. Sự thật là các tự do cá nhân càng mở rộng hơn, mức độ thịnh vượng hay thậm chí giàu có càng cao hơn, thì nghịch lý thay lòng hận thù mù quáng này càng sâu sắc hơn. Như vậy qua tấm gương của chính mình, Phương Tây, ở giai đoạn đã phát triễn hiện nay, minh chứng rằng sự cứu rỗi của con người không thể nào tìm thấy ở sự dư thừa về của cải vật chất hay ở chỉ sự kiếm tiền đơn thuần.
Sự thù hận được nuôi dưỡng cố ý này rồi lan đến tất cả những gì hiện hữu, đến chính cuộc sống, đến thế giới muôn màu, muôn vẻ, và muôn thanh, đến cả thân xác con người. Nghệ thuật chua chát trong thế kỷ hai mươi đang lụi tàn do cái hận thù xấu xí này, vì nghệ thuật là vô ích nếu không có tình yêu. Tại Phương Đông nghệ thuật đã sụp đổ vì nó đã bị đánh gục và bị dẫm đạp lên, nhưng tại Phương Tây sự sa ngã này có tính chất tự nguyện, một sự suy tàn vào một cuộc tìm tòi cầu kỳ và hợm hĩnh nơi người nghệ sĩ, thay vì cố gắng hé lộ ra thiên cơ, lại cố đặt mình vào địa vị của Chúa.
Ở đây lần nữa chúng ta chứng kiến một kết cục duy nhất của một quá trình diễn ra trên khắp thế giới, với Phương Đông và Phương Tây tạo ra cùng kết quả, và một lần nữa cho cùng một lý do: con người đã quên Chúa.
Với những sự kiện toàn cầu trên lờ mờ hiện ra trước mặt chúng ta sừng sững như núi, không, như toàn bộ cả dãy núi, có thể dường như lạc lõng và không thích hợp khi ta nhớ lại rằng lời giải chính cho sự tồn tại và phi tồn tại của chúng ta nằm ở trong lòng mỗi cá nhân con người, nằm ở sự chọn lựa trong từng tấm lòng đó điều thiện và điều ác cụ thể. Tuy nhiên lời giải này đến cả hôm nay vẫn còn đúng, và thật sự là lời giải đáng tin tưởng nhất chung ta có. Các lý thuyết xã hội đã hứa hẹn rất nhiều giờ chứng tỏ là phá sản, khiến chúng ta rơi vào ngõ cụt. Người ta có thể mong đợi hợp lý rằng người dân tự do Phương Tây nhận thức họ đang bị vây quanh bởi vô số những giả dối vốn được nuôi dưỡng một cách tự do, và sẽ không cho phép những lời dối trá áp đặt gian lận quá dễ dàng lên họ. Tất cả các cố gắng để tìm lối thoát ra khỏi hoàn cảnh không may của thế giới hôm nay đều vô ích trừ phi chúng ta,trong sám hối, chuyển hướng ý thức của chúng ta đến Đấng Sáng Tạo ra vũ trụ: nếu không có điều này, sẽ không có ánh sáng nào soi rọi lối ra, và chúng ta sẽ tìm kiếm trong vô vọng. Tài sản chúng ta đã để riêng ra cho chính mình thật quá khiêm nhường cho nhiệm vụ gian nan này. Trước tiên chúng ta phải thừa nhận nỗi kinh hoàng ấy gây ra không phải do lực bên ngoài nào đó, không phải do kẻ thù dân tộc hay giai cấp, mà do trong từng mỗi cá nhân chúng ta, và trong mỗi xã hội. Điều này đặc biệt đúng với một xã hội tự do và đã phát triễn cao, vì đặc biệt ở đây chúng ta chắc chắn đã tạo ra mọi thứ cho mình, đúng với sự chọn lựa tự do của chính mình. Chính chúng ta, trong sự ích kỷ vô tâm hàng ngày của mình, đã vô tình xiết chặt thêm cái thòng lọng đó ...
Cuộc đời chúng ta không gói ghém trong mưu cầu thành đạt về vật chất mà trong nỗ lực tìm kiếm sự phát triễn tinh thần xứng đáng. Toàn bộ kiếp người của chúng ta trên trần thế này chỉ là một giai đoạn quá độ trong sự vận động hướng tới điều gì đó cao hơn, và chúng ta không được chao đảo vấp ngã, chúng ta cũng không được nán lại vô ích trên một nấc thang nào của chiếc thang này. Chỉ riêng quy luật về vật chất không giải thích được hay định hướng được cuộc đời chúng ta. Quy luật về vật lý và sinh lý nhất định không bao giờ hé lộ bằng cách chắc chắn nào mà Đấng Tạo Hoa đều đặn, hết ngày này đến ngày khác, tham dự vào cuộc đời của mỗi người trong chúng ta, luôn luôn ban cho chúng ta năng lượng của sự tồn tại; khi sự giúp đỡ này rời bỏ chúng ta, chúng ta chết. Và trong cuộc sống của toàn thể hành tinh của chúng ta, Thánh Linh chắc chắn tác động cũng không kém phần mạnh mẽ hơn: điều này chúng ta phải thấu hiểu trong thời khắc tăm tối và khiếp sợ của mình.
Đối với bao hy vọng hão huyền trong hai thế kỷ vừa qua, những hy vọng mà đã thu rút chúng ta lại xuống thành vô nghĩa và đưa chúng ta tới gần cái chết hạt nhân và phi hạt nhân, chúng ta có thể chỉ đề nghị một sự tìm kiếm bền lòng bàn tay ấm áp của Chúa, mà chúng ta đã chối bỏ một cách quá vội vàng và quá tự tin. Chỉ có như thế mắt chúng ta mới nhìn thấy được các sai lầm trong thế kỷ hai mươi bất hạnh này và chúng ta hãy liên kết lại để chấn chỉnh lại những sai lầm này. Ngoài ra chẳng còn gì khác hơn để cho ta bám vào trong cơn đất lở này: tư tưởng kết hợp lại của tất cả các triết gia Khai Sáng chẳng là gì hết.
Năm châu chúng ta đang ở giữa trận cuồng phong. Nhưng chính qua các thử thách như thế mới thể hiện tính cách cao quý nhất của con người. Nếu chúng ta lụi tàn và thua cuộc trong thế giới này, lỗi ấy hoàn toàn thuộc về chúng ta.
Dịch từ bản tiếng Anh của A. Klimof năm 1983
Bản tiếng Việt © 2009 Trần Quốc Việt
Bản tiếng Việt © 2009 talawas blog
Subscribe to:
Posts (Atom)